NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SẢN XUẤT CỦA NỀN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

26/02/2024

Nâng cao trình độ sản xuất của nền kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, không gian hàng hóa của Việt Nam phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc từ một nền kinh tế có trình độ sản xuất thấp, thiếu đa dạng sang một nền kinh tế có trình độ sản xuất trung bình, đa dạng hơn.

ƯU TIÊN THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN VỀ TÍN DỤNG, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG NĂM 2024

Trong các phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6 cũng như trên các diễn đàn, báo chí, vấn đề chuyển đổi và tiến bộ của trình độ sản xuất trong nền kinh tế nước ta luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các đại biểu. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà nước ta đã đạt được trong thời gian qua trong việc chuyển đổi và nâng cao trình độ sản xuất. Nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, với tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Nâng cao trình độ sản xuất của nền kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt, như: năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; tỷ lệ sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ cao còn chưa cao. Để giải quyết những vấn đề này, cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ sản xuất. Việc chuyển đổi và tiến bộ của trình độ sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, sự phát triển kinh tế của một quốc gia được biểu hiện bởi tri thức dùng cho sản xuất (năng lực sản xuất) ẩn chứa trong xã hội nên việc phân tích kinh tế cần tập trung vào cơ chế hình thành các hàng hóa (là kết quả của nhiều năng lực sản xuất đơn lẻ được kết hợp với nhau). Các năng lực sản xuất này có thể bao gồm kỹ năng, tri thức cho tới thể chế, văn hóa mang tính đặc trưng của quốc gia. Các quốc gia phát triển dựa vào việc mở rộng năng lực sản xuất hiện tại để có thể sản xuất nhiều hơn các hàng hóa, từ đó làm tăng mức độ phức tạp kinh tế.

Mô hình hóa quá trình phát triển của các quốc gia thông qua việc phân tích sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu, có thể dựa vào không gian hàng hóa được tính dựa trên lợi thế so sánh biểu lộ. Không gian hàng hóa là một mạng lưới các điểm (thể hiện các hàng hóa) được kết nối với nhau dựa trên mức độ liên quan của các năng lực sản xuất cần thiết để sản xuất ra chúng. Đường kết nối hai điểm bất kỳ trong không gian hàng hóa thể hiện mối quan hệ hai hàng hóa cùng được sản xuất và xuất khẩu bởi một nhóm quốc gia. Nói cách khác, đo lường khoảng cách giữa các cặp hàng hóa dựa trên xác suất chúng cùng được xuất khẩu bởi các quốc gia cho phép chúng ta xây dựng một mạng lưới các hàng hóa mà mỗi hàng hóa có một mức độ tương quan nhất định với các hàng hóa khác. Bên cạnh sự thay đổi về quy mô, số lượng và cơ cấu đã phân tích ở trên, có bốn đặc điểm lớn cần lưu ý sau khi phân tích không gian hàng hóa của Việt Nam.

PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng

Thứ nhất, trong không gian hàng hóa của Việt Nam, các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ và có giá trị xuất khẩu lớn tập trung chủ yếu ở phần ngoại vi. Cụ thể, bốn nhóm ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2000-2020 là máy móc, dệt may, giày dép và mũ và rau. Trong bốn nhóm ngành này, các hàng hóa có mức độ liên kết với nhau cao hơn (so với các hàng hóa khác) khi đường kết nối giữa các hình tròn là rất ngắn, thể hiện sự tương đồng về năng lực sản xuất để sản xuất ra các hàng hóa này. Đây là kết quả của việc Việt Nam đã tập trung được nguồn vốn, lao động và công nghệ (từ cả trong và ngoài nước thông qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thông qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tích lũy năng lực sản xuất trong hơn hai thập kỷ vừa qua.

Thứ hai, ở trung tâm của không gian hàng hóa, nơi tập trung các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn và có mức độ liên kết cao trong không gian hàng hóa, Việt Nam rất thiếu vắng các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lẫn hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn. Các nước có năng lực sản xuất thấp và trung bình thường hình thành các nhóm ngành ở ngoại vi của không gian hàng hóa trong khi các nước có năng lực sản xuất cao có nhiều nhóm ngành ở trung tâm. Không gian hàng hóa của Việt Nam phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc từ một nền kinh tế có trình độ sản xuất thấp, thiếu đa dạng sang một nền kinh tế có trình độ sản xuất trung bình, đa dạng hơn nhưng còn khoảng cách rất xa mới có thể đạt tới trình độ sản xuất cao và đa dạng như nhiều nước tiên tiến.

Thứ ba, mức độ phức tạp của hàng hóa xuất khẩu đã có sự cải thiện. Các hàng hóa của Việt Nam có giá trị xuất khẩu năm 2020 lớn hơn 1 tỷ USD (tương đương 0,333% giá trị xuất khẩu) với lợi thế so sánh biểu lộ, giá trị xuất khẩu và mức độ phức tạp tương ứng. Trong tổng số 53 hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn hơn 1 tỷ USD (tổng giá trị xuất khẩu là 221,4 tỷ USD), có 49 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lớn hơn 1 (chiếm 97,6% giá trị xuất khẩu) và có 22 hàng hóa có mức độ phức tạp lớn hơn 0 (chiếm 63% giá trị xuất khẩu). Các hàng hóa có mức độ phức tạp cao tập trung chủ yếu ở nhóm ngành máy móc (vi mạch điện tử 1,49, máy tính 1,04, bảng mạch điện tử 0,98).

Các hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất có mức độ phức tạp kinh tế thấp hơn như thiết bị phát sóng (0,42) và điện thoại (0,69). Dầu thô (-2,38) và dừa, quả hạch và hạt điều (-2,32), gạo (-2,02) và động vật giáp xác (-2,01) là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhưng mức độ phức tạp thấp nhất. Tuy ở mức cao hơn, dệt may và giày dép và mũ cũng chỉ là nhóm có mức độ phức tạp thấp, ví dụ áo thun dệt kim (-1,46) và giày da (-0,74).

Qua phân tích, có thể nhận thấy các hàng hóa xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam thì chỉ có nhóm ngành máy móc là có mức độ phức tạp cao còn các nhóm ngành chủ chốt khác như dệt may, giày dép và mũ và rau củ có mức độ phức tạp thấp. Việt Nam đã tích lũy được thêm năng lực sản xuất mới hơn và cao hơn qua hai thập kỷ và góp phần vào việc sản xuất ra các hàng hóa đa dạng hơn và hiếm hơn (mức độ phức tạp cao hơn).

Không gian hàng hóa của Việt Nam phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc của một nền kinh tế đang chuyển đổi

Thứ tư, vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng trong hình thành các năng lực sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài có trên 50% vốn góp tại các chi nhánh, công ty con (FATS). Năm 2020, Việt Nam có 19.113 doanh nghiệp FATS với 4,949 triệu lao động, chiếm 85,9% so doanh nghiệp FDI, 97,2% so lao động doanh nghiệp FDI, tạo ra 96,6% doanh thu và 99,3% giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Nếu tính tổng thể cả nền kinh tế, các doanh nghiệp FATS đóng góp tới 74,8% giá trị xuất khẩu.

Ở khía cạnh tích cực, việc thu hút được các doanh nghiệp FATS đầu tư vào Việt Nam đã giúp cho nền kinh tế đa dạng hóa và nâng cấp các hàng hóa sản xuất và xuất khẩu thông qua việc có thêm các năng lực sản xuất mới và cao hơn gần như ngay lập tức (nếu tự phát triển thì sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực). Chỉ tính trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, số lượng doanh nghiệp FATS là 9.539 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính với 1.102 doanh nghiệp, sản xuất trang phục với 916 doanh nghiệp, sản xuất da giày với 607 doanh nghiệp… Ở góc độ khác, cần lưu ý rằng các doanh nghiệp FATS sản xuất hàng hóa tại Việt Nam chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ các công ty mẹ để tiêu thụ ở thị trường nước ngoài với kênh cung ứng và phân phối kèm theo.

Do vậy, các doanh nghiệp FATS phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghệ nguồn từ nước ngoài trong khi công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho các năng lực sản xuất của các doanh nghiệp FATS bị giới hạn trong phạm vi của nhóm doanh nghiệp này mà ít lan tỏa ra nền kinh tế. Tình trạng này rất phổ biến và trầm trọng tại các doanh nghiệp FATS với các hàng hóa có mức độ phức tạp kinh tế cao nhất do các doanh nghiệp này lại liên kết theo chiều dọc với phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài và hệ thống phân phối cũng do công ty nước ngoài đảm nhiệm. Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ một số ít quốc gia cũng tạo ra những rủi ro đối với Việt Nam trong quản trị chuỗi cung ứng.  

Hồ Hương