TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM VI MÔ, BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP

26/02/2024

Quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, thời gian tới cần tập trung phát triển bảo hiểm vi mô- một công cụ hữu hiệu để “bảo vệ” cho những hộ gia đình nghèo.

Nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề bảo hiểm vi mô, TS.Đỗ Thị Diên, Trường Đại học Thương mại cho biết, bảo hiểm vi mô (BHVM) là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang được mở rộng tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Người thu nhập thấp đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi xảy ra rủi ro.

Với đặc trưng là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi, BHVM đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản. BHVM không chỉ được coi như một công cụ hữu hiệu để “bảo vệ” cho những hộ gia đình nghèo, BHVM còn góp phần nâng cao sự hiểu biết về nhu cầu được bảo hiểm trong cộng đồng những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình tại các vùng nông thôn, BHVM còn đem lại kiến thức về tài chính bảo hiểm hay đơn giản hơn là giúp những người dân nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Bảo hiểm vi mô bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản

TS. Đỗ Thị Diên nêu rõ, BHVM tại Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến, người dân, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo; nông dân những đối tượng dễ bị tổn thương về tài chính trong xã hội chưa tiếp cận được nhiều tới dịch vụ tài chính thiết yếu nhằm đảm bảo những rủi ro và tài chính của các đối tượng trong xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố sau: Nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, đặc biệt những người có thu nhập thấp cho rằng không cần hoặc chưa cần thiết. Hơn nữa, bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm BHVM thường ở vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa khó tiếp cận: chi phí cho triển khai BHVM thường lớn hơn đối với sản phẩm bảo hiểm thông thường, nhưng rủi ro nhiều hơn.

Đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chưa muôn cung cấp các sản phẩm BHVM. Bởi vì, không chỉ phải thay đổi một phần chiến lược kinh doanh, mà các doanh nghiệp bảo hiểm còn phải thay đổi sản phẩm theo hướng đơn giản và cắt giảm chi phí cho phù hợp với đối tượng khách hàng là người có thu nhập thấp. Trong khi đó, thị trường bảo hiểm dành cho những đối tượng thượng lưu và trung lưu dễ thâm nhập và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Việc xây dựng mô hình thu phí bảo hiểm sao cho hiệu quả, đơn giản để duy trì và phát triển loại hình bảo hiểm này là một trở ngại lớn, bởi phải tính toán chi phí hợp lý cho người đi thu phí, cũng như trở ngại trong việc thu phí từ những người có thu nhập mang tính thời vụ. Đây là mâu thuẫn chủ yếu các doanh nghiệp bảo hiểm vấp phải khi triển khai sản phẩm này.

Bên cạnh đó, việc tìm ra một kênh phân phối thực sự hiệu quả để bán sản phẩm BHVM tới tận tay người dân nông thôn đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện nay, việc bán sản phẩm BHVM không thông qua đại lý, mà chỉ thông qua các hội, đoàn thể nên công tác thu phí hàng tháng cũng là một vấn đề nan giải. Địa bàn nông thôn không giống như thành phố, người dân sống ở các địa hình khác nhau nên việc tiếp cận được họ để giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng đã khó, thu tiền phí lại càng khó khăn hơn. Việc cung cấp sản phẩm là một trong những hoạt động chiếm nhiều chi phí nhất khi triển khai sản phẩm mới.

Bảo hiểm vi mô góp phần nâng cao sự hiểu biết về nhu cầu được bảo hiểm trong cộng đồng những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình tại các vùng nông thôn

Thậm chí, một nhà cung cấp BHVM có thể tiêu tốn tới 90% tổng số phí thu được cho việc cung cấp sản phẩm và thu phí trong năm đầu tiên. Xét theo khu vực kinh tế, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch Covid-19 là nông, lâm và thủy sản nhưng cũng có tới 7,5% lao động bị ảnh hưởng; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,5% lao động bị ảnh hưởng và khu vực dịch vụ có tới 20,4% lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này khiến cho việc triển khai BHVM ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Để phát triển BHVM ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, thiết kế các sản phẩm BHVM đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức và trình độ của người có thu nhập thấp. Thủ tục tham gia bảo hiểm và bồi thường cũng phải đơn giản, nhanh chóng. Trước mắt, các doanh nghiệp bảo hiểm nên triển khai ở một số lĩnh vực thiết thực và có nhu cầu lớn đối với người có thu nhập thấp, cần tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, thương tật; bảo hiểm cho các khoản vay tín dụng.

Trong giai đoạn đầu, các nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm tai nạn con người do tính chất đơn giản và dễ quản lý của sản phẩm, dần dần các sản phẩm bảo hiểm chi phí y tế, bảo hiểm tài sản được phát triển nhưng theo hướng xác định số tiền bảo hiểm thấp, áp dụng nguyên tắc trả tiền khoán để đơn giản hóa quá trình quản lý sản phẩm và chi phí.

Thứ hai, thiết lập kênh phân phối sản phẩm BHVM hợp lý. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm phân phối BHVM tại các nước như: Indonesia, Ấn Độ, Philippines kênh phân phối hiệu quả vẫn chủ yếu tập chung vào mô hình đối tác - đại lý hoặc hội tương hỗ cung cấp sản phẩm, đồng thời có sự hỗ trợ của phía Chính phủ trong việc nhận tái bảo hiểm đối với những sản phẩm bảo hiểm mang tính chất tích tụ rủi ro. Đối tác của các nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tín dụng, các hội đoàn thể - những tổ chức có thể dễ dàng tiếp cận và thường xuyên trao đổi với khách hàng của BHVM.

Bảo hiểm vi mô cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với khách hàng

Thứ ba, quản lý chi phí hoạt động hiệu quả, đặc biệt cần sử dụng hệ thống phân phối, hệ thống thanh toán sẵn có để tiết kiệm chi phí hoạt động. Mô hình triển khai phù hợp, cần thực hiện quản lý chặt chẽ, tăng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhằm đảm bảo sự hoạt động bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thực hiện tốt việc truyền thông, quảng bá sản phẩm BHVM.

Thứ tư, việc bảo hiểm cho người có thu nhập thấp có thể được thực hiện tốt hơn khi được tài ượ từ các tổ chức và cá nhân, lồng ghép với các chính sách của Nhà nước (như cho vay xóa đói giảm nghèo, cho vay ưu đãi, đào tạo nghề...), phối hợp với sự hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội. Cần huy động được tất cả các bên có liên quan cùng hợp tác với nhau triển khai BHVM. Quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tự lực tại địa phương và các cơ quan điều tiết đem lại rất nhiều lợi ích trong ngành công nghiệp BHVM.

Thứ năm, ngoài việc xác định mô hình triển khai phù hợp, để bảo hiểm cho người có thu nhập tháp hoạt động hiệu quả, cần xây dựng một khung pháp lý đồng bộ và phù hợp, cần triển khai các chính sách hỗ trợ triển khai BHVM như: Miễn giảm thuế đối với một số sản phẩm đồng thời, cần đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền BHVM đến các chủ thể trong xã hội nhằm đảm bảo sự am hiểu nhất định về các sản phẩm BHVM đến các chủ thể, nhất là những chủ thể cần hướng đến.

BHVM cấp dịch vụ tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro và tích lũy cho những người nghèo, người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trong xã hội. Phát triển loại hình bảo hiểm này, một mặt, mang tính nhân văn sâu sắc góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, hình thức bảo hiểm này để phát triển mạnh mẽ rất cần sự hỗ trợ và tham gia tích cực của nhiều chủ thể, trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo. Có như vậy, mô hình tài chính này mới có thể triển khai một cách hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Hồ Hương