ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

08/04/2024

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, sáng ngày 08/04, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.

CHUẨN BỊ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng các thành viên của Bộ; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định của luật và thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thể hiện rõ việc tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển trong tình hình mới.

Để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; họp tổ thẩm tra; họp tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật và các nội dung của dự án Luật. Thường trực Ủy ban cũng đã gửi hồ sơ dự án Luật xin ý kiến phối hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI và một số chuyên gia.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hôm nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ đối với hồ sơ dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh mong muốn các đại biểu thảo luận tập trung vào một số nội dung theo quy định tại Điều 65 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết; sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; việc bảo đảm chính sách dân tộc, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc, bình đẳng giới; ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản và các vấn đề khác liên quan đến dự thảo Luật.

Các đại biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh mong rằng, với tinh thần xây dựng của các vị đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà quản lý am hiểu, giàu kinh nghiệm về chính sách, pháp luật về phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa sẽ thẳng thắn trao đổi, đóng góp các ý kiến sâu sắc cho dự thảo Luật...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Phiên họp...

Thu Phương – Nghĩa Đức