CẦN QUY ĐỊNH PHÙ HỢP HƠN ĐỂ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CŨNG NHƯ BẢO ĐẢM CHO CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN

05/07/2024

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nhằm hoàn thiện dự án Luật, các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý về quy định bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn cũng như bảo đảm cho cán bộ công đoàn. Các ý kiến đề nghị cần quy định phù hợp hơn để người lao động là cán bộ công đoàn vừa tham gia hoạt động sản xuất tại đơn vị, vừa tham gia hoạt động công đoàn cho phù hợp.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều; bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012), trong đó quy định về quyền, trách nhiệm của Công đoàn và đoàn viên công đoàn; về trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động đối với Công đoàn; quy định về những bảo đảm hoạt động của Công đoàn…

Mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Cần quy định phù hợp hơn để bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn

Nhằm hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi Luật này và bày tỏ quan tâm đến quy định bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27) cũng như bảo đảm cho cán bộ công đoàn (Điều 28). Các ý kiến đề nghị cần quy định phù hợp hơn để người lao động là cán bộ công đoàn vừa tham gia hoạt động sản xuất tại đơn vị, vừa tham gia hoạt động công đoàn cho phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi quan tâm góp ý về quy định bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại Điều 27. Theo đó, dự thảo Luật quy định “tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách tối thiểu là 60 giờ làm việc trong 1 tháng đối với tổ chức công đoàn cơ sở có dưới 50 đoàn viên và tối thiểu là 100 giờ làm việc trong 1 tháng đối với công đoàn cơ sở có từ 50 đến dưới 100 đoàn viên”.

Đại biểu nêu rõ, qua tham khảo một số cơ quan, tổ chức công đoàn cơ sở trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian quy định như dự thảo Luật tương đối nhiều và có thể ảnh hưởng đến thời gian làm việc của người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

“Bởi vì ở các tổ chức công đoàn cơ sở cho ý kiến đối với quy mô dưới 50 đoàn viên và dưới 100 đoàn viên, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn trong 1 tháng tối thiểu từ 7,5 ngày đối với quy mô dưới 50 đoàn viên và tối thiểu là 12,5 ngày đối với quy mô một công đoàn cơ sở dưới 100 đoàn viên. Như vậy tôi cho rằng, thời gian như vậy hơi nhiều, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách”, đại biểu phân tích thêm.

Do vậy, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét lại quy định phù hợp hơn để cho người lao động là cán bộ công đoàn vừa tham gia hoạt động sản xuất tại đơn vị, vừa tham gia hoạt động công đoàn cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình với khoản 2 của Điều 27 quy định về xác định tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, sau khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức đi khảo sát tại các địa phương, các trường học, đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi hiện nay ở các trường học, việc bố trí cán bộ công đoàn với một số trường học ít biên chế, giáo viên sẽ vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa phải kiêm nhiệm công việc của công đoàn.

Chính vì thế, theo Thông tư của Bộ Giáo dục Đào tạo, Chủ tịch Công đoàn chỉ được bố trí 03 tiết dạy/tuần và tối đa không quá 15 tiết/tháng để thực hiện nhiệm vụ của công đoàn. “Nếu như quy định về thời gian tổng như thế này, có thể sẽ khó để thực hiện được nhiệm vụ trong các trường học. Hiện nay, trong các trường học với số lượng và khối lượng giáo viên rất đông, lực lượng giáo viên tham gia công đoàn rất nhiều. Tuy nhiên, với một số những trường học nhỏ và biên chế ít, số lượng cán bộ công đoàn không có nhiều, thậm chí giáo viên đứng lớp phải kiêm nhiệm làm công tác công đoàn. Chính vì vậy, nếu bố trí thời gian như vậy mà không có những phụ cấp phù hợp, xứng đáng thì họ sẽ phải làm thêm giờ rất nhiều”, đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, đây là một việc thực tế khi đi khảo sát ở các trường học. Các giáo viên đã đề xuất, kiến nghị làm sao đảm bảo được các chế độ chính sách, có thể quy đổi ra giờ để họ làm thêm, ngoài giờ thì sẽ được hưởng những phụ cấp tương ứng để đảm bảo cho điều kiện cũng như đời sống của giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ công tác công đoàn.

Cần quy định cụ thể hơn về bảo đảm cho cán bộ công đoàn

Quan tâm về quy định bảo đảm cho cán bộ công đoàn tại khoản 1 Điều 28, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự thảo Luật quy định “trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ”. Theo dự thảo Luật, đơn vị sử dụng lao động phải bắt buộc gia hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc là cán bộ công đoàn.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, điều này không thống nhất với pháp luật dân sự và pháp luật lao động, bởi vì hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa các bên và thực hiện theo hợp đồng. Theo đại biểu, trong trường hợp này nên quy định công đoàn cấp trên cơ sở xem xét bố trí người khác trong Ban Chấp hành Công đoàn thay thế cho người đã hết hợp đồng lao động thì phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề lớn của dự án Luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định cụ thể để đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng, có sự quản lý, đó là việc thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động và nghiệp đoàn. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, rà soát với các quy định của pháp luật lao động để pháp điển hóa các loại hình tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và phạm vi hoạt động, quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ và hoạt động theo quy định của pháp luật để tránh sự xung đột trong nhiệm vụ, quyền hạn giữa công đoàn cơ sở và các tổ chức này.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Cùng góp ý về Điều 28 của dự thảo Luật, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: “Sớm bổ sung cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở và chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở”. Luật Công đoàn hiện hành có quy định: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên”.

Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, người trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở đều là nhân viên của doanh nghiệp. Do đó, nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp muốn sa thải Chủ tịch Công đoàn cơ sở chỉ cần tổ chức lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty. Trong khi đó, Ban chấp hành công đoàn cơ sở đa số là người của công ty nên đồng ý sa thải chính Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 28 của dự thảo Luật như sau: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Bên cạnh đó, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật chưa thể bảo vệ được cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Vì để xác định như thế nào là “trái pháp luật” trong trường hợp cán bộ công đoàn không chuyên trách bị đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải để Công đoàn yêu cầu cơ quan Nhà nước can thiệp là rất khó khăn.

Hơn nữa, đại biểu băn khoăn quy định như tại khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật có thể hiểu là Công đoàn nào? Công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên trực tiếp? Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi./.

Bích Ngọc