Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và Quỹ BHXH

06/09/2024

Chiều 06/9, tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2020-2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức giám sát tại UBND tỉnh.

ĐỒNG NAI: CỬ TRI HUYỆN LONG THÀNH QUAN TÂM ĐẾN LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường chủ trì buổi làm việc. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2020-2023, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực lao động, việc làm, BHXH được thực hiện đầy đủ và sát với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ hơn các quy định.

Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, từng bước ổn định thị trường lao động.

Về công tác BHXH, toàn ngành BHXH tỉnh Đồng Nai phối hợp các cấp, các ngành tổ chức hơn 1,7 ngàn hội nghị truyền thông, đối thoại các chính sách và lợi ích khi tham gia BHXH. Đối với đào tào nghề, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội rà soát nhu cầu học nghề tại địa phương và khai thác thông tin dự báo nhu cầu lao động; đồng thời tư vấn học nghề và lồng ghép giữa dạy nghề với thông tin tuyên truyền về việc làm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai

Bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế như chính sách phân luồng và hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; chính sách, pháp luật về lao động, BHXH còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 để làm cơ sở triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội cung cấp thông tin danh mục các trường đào tạo thuộc các nước ASEAN+4, có chương trình đào tạo trung cấp và cao đẳng được Việt Nam công nhận để giúp tỉnh Đồng Nai chủ động liên kết đào tạo lao động có tay nghề.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, hiện tỉnh đang xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nguồn lực cho tỉnh và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, tỉnh sẽ rà soát lại các trường đại học, cao đẳng, công tác tuyển sinh để tiếp tục chỉ đạo xây dựng đề án đảm bảo chất lượng, nhất là nguồn lực cho Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai

Kết luận buổi giám sát, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết, qua 3 buổi giám sát cho thấy, các đơn vị đều chuẩn bị tài liệu đầy đủ, trao đổi nắm vấn đề kỹ. Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các đơn vị để tổng hợp trình Quốc hội.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, qua giám sát, phát hiện những sơ hở về mặt pháp luật trong giáo dục việc làm, quản lý lao động... Theo đó, đoàn giám sát sẽ nắm bắt những vướng mắc và tham mưu cho Quốc hội ban hành các quy phạm pháp luật cần thiết và hợp lý với tình hình thực tế hiện nay.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục việc làm để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tỉnh trong tương lai. Trong đó, phải có sự kết hợp với các trường đại học, trường nghề để có chiến lược đào tạo lâu dài.

Về vấn đề BHXH, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền, nâng cao độ bao phủ BHXH và xử lý nghiêm các hành vi về trục lợi chính sách BHXH.

(Theo báo Đồng Nai)

Các bài viết khác