Quang cảnh Hội nghị.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 12 chương, 116 điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Luật Khoáng sản sau hơn 13 năm thực hiện đã có nhiều quy định bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là cát lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường; vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản… Do đó, việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch; khắc phục các bất cập để quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Các đại biểu tán thành với quy định phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản. Điều này cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản và đóng cửa mỏ. Trên cơ sở đó, quy định việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Dự thảo Luật quy định mới một chương về quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tài nguyên khoáng sản cát, sỏi lòng sông.
Đối với các Điều 12, 13, 14 về quy hoạch khoáng sản, đa số đại biểu tán thành lựa chọn phương án 1 là giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quy hoạch khoáng sản. Điều này có nhược điểm là làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch khoáng sản; tuy nhiên có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Góp ý tại Điều 8, đại biểu đề nghị bổ sung khoản thu phạt từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; Khoản 5, Điều 28, nên giao thẩm quyền cho chính quyền cấp tỉnh thực hiện khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trong những trường hợp cấp bách. Từ Điều 39 - 42 về hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản, các đại biểu đề nghị, Luật nên quy định cụ thể chứ không giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết; Khoản 1, Điều 54 bổ sung thêm trường hợp thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; đổi tên là Luật Tài nguyên địa chất.