Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Thị Mai Phương và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật.
Dự phiên họp còn có: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, để chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2024), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Đây cũng là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nêu rõ, trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy báo cáo tại phiên họp
Trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định. Việc rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước…
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cũng cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực quản lý còn chậm; việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định; tỷ lệ giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền thấp hơn so với cùng kỳ năm trước;...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, cơ bản phản ánh đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã sớm thực hiện thời gian tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo từ ngày 01/10 của năm trước đến hết ngày 30/9 của năm báo cáo.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, cần tiếp tục bổ sung, cập nhật thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể liên quan đến: kết quả tiếp công dân; kết quả tiếp nhận và xử lý đơn KNTC; kết quả giải quyết khiếu nại; kết quả giải quyết tố cáo; kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết cac vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài;…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
Trong đó, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số đoàn đông người đến các Bộ, ngành giảm mạnh nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng; bổ sung về kết quả tiếp công dân của 18 địa phương còn lại để có đầy đủ cơ sở phân tích, đánh giá sát thực tình hình; phân tích rõ số liệu các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tình trạng các cơ quan chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyến đến là vấn đề tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục triệt để;…
Để tháo gỡ những tồn tại nêu trên, các đại biểu đề nghị, các Bộ, ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát, tổng kết các quy định của pháp luật có bất cập, vướng mắc là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, cũng như dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác này để có giải pháp, chính sách xử lý phù hợp; Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện, hạn chế nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo; …
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục hiệu chỉnh và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có sự kết nối, liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan nhà nước khác để tăng cường hiệu quả công tác phân tích, đánh giá, chỉ đạo, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị, Thanh tra Chính phủ tham mưu giúp Chính phủ rà soát, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Trong đó, cần tiếp tục cập nhật đầy đủ số liệu của các địa phương còn thiếu; làm rõ hơn một số bất cập được nêu tại phiên họp… Đồng thời, báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước phải có phân tích đầy đủ về kết quả và các số liệu cụ thể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 37 (tháng 9.2024).
***Một số hình ảnh tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ:
Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chủ trì phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu khai mạc phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy báo cáo tại phiên họp
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trình bày dự thảo báo cáo
Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám
Các đại biểu tham dự phiên họp
Đại diện Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại phiên họp
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lò Việt Phương
Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Tạ Quang Huy
Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024./.