Cần quy hoạch, đầu tư phát triển cân đối giữa 5 loại hình giao thông

24/09/2024

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày mai (25/9), UBTVQH sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Chính phủ về nội dung này, các đại biểu cho rằng, sự mất cân đối giữa giao thông đường bộ với đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, đường hàng không đã làm gia tăng áp lực cho giao thông đường bộ. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng mất cân đối giữa 5 loại hình giao thông.

Làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày mai (25/9), UBTVQH sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của UBTVQH với Chính phủ về nội dung này, các đại biểu cho rằng, hiện công tác quy hoạch của chúng ta mới chỉ tập trung phát triển giao thông đường bộ mà chưa chú trọng vào các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa… Sự mất cân đối giữa giao thông đường bộ với đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, đường hàng không đã làm gia tăng áp lực cho giao thông đường bộ, đặc biệt, tại các khu công nghiệp, cảng biển, đô thị lớn; việc kết nối giữa các lĩnh vực giao thông, các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ với đường địa phương chưa đồng bộ.

Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cần có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng mất cân đối giữa 5 loại hình giao thông.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Nhận thấy vấn đề mất cân đối giữa 5 loại hình giao thông là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, hiện chúng ta mới chỉ tập trung vào vấn đề giao thông đường bộ, còn các loại hình giao thông khác như đường thủy nội địa, đường sắt… còn rất hạn chế. Đường thủy nội địa chủ yếu tập trung vận tải hàng hóa (như chở cát và chở hàng…). Do đó, cần có quy hoạch giao thông đường thủy nội địa để làm giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ.

“Giao thông đường thủy rẻ hơn giao thông đường bộ rất nhiều, như vậy sẽ giảm được chi phí logistics và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như giảm được chi phí giao thông. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến giao thông đường thủy nội địa”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, hiện chúng ta đang bỏ rơi lĩnh vực này quá lâu hoặc đầu tư èo uột, không xứng tầm và không đúng với tiềm năng của nó. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư lĩnh vực này nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng

Cùng quan tâm nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao giao thông đường thủy nội địa, trong đó sản lượng vận tải thông qua cảng thủy nội địa tăng từ khoảng 3,4 triệu tấn năm 2014 lên 15,4 triệu tấn năm 2023. Tuy nhiên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về mạng lưới đường thủy nội địa của Việt Nam hiện như thế nào.

“Một số cây cầu bắc qua sông, tĩnh không rất thấp, tàu ở bến thủy nội địa không chạy được, chạy thì va vào cầu, đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến. Đặc biệt việc kết nối giữa bến thủy nội địa với đường bộ, đường sắt còn rất ít nên hiệu quả vận chuyển đường thủy nội địa rất thấp”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu thực trạng.

Đồng thời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện tiềm năng của giao thông đường thủy nội địa rất lớn so với kết quả đạt được, đề nghị Chính phủ làm rõ việc kết nối giữa bến thủy nội địa với đường bộ, đường sắt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong

Nêu rõ thực tế phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng nhưng phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển tương xứng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, áp lực vào giao thông đường bộ khá lớn trong khi giao thông đường sắt hiện còn chiếm tỉ lệ rất ít và chậm nhiều thập kỷ so với các nước, nước ta cũng chưa phát triển đường sắt tốc độ cao, kể cả cho vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách.

“Đường sắt đô thị mới phát triển ở bước đầu, đầu tư nhiều nhưng phát triển đường sắt đô thị còn chậm trễ nên đã tạo áp lực ngày càng lớn đối với giao thông đô thị. Vì vậy, người dân sẽ phải tăng việc sử dụng phương tiện cá nhân và áp lực đối với an toàn giao thông ngày càng cao”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết.

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm đối với định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao nói chung. Trong đó lưu ý cần quan tâm đến vấn đề vận chuyển hành khách và hàng hóa để giảm chi phí logistics và giúp cho người dân có nhiều lựa chọn hơn các phương tiện đi lại.

Liên quan đến đường sắt đô thị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho rằng, mặc dù chúng ta đã chú trọng đầu tư và dành nhiều sự quan tâm đến đường sắt đô thị nhưng tốc độ triển khai các dự án đều chậm tiến độ (mất 10-15 năm mới xây dựng được một tuyến). Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ chúng ta mới hoàn thành được các tuyến đường sắt đô thị để giảm áp lực cho giao thông đô thị? Điều này rất cần biện pháp quyết liệt từ Chính phủ và các địa phương./.

Bích Ngọc