Cử tri Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

27/09/2024

Cử tri Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố, qua đó phát huy ưu điểm, khắc phục những bất cập để mở rộng mô hình ra các địa phương khác, nhằm giảm đầu mối, biên chế…

HÀ NỘI: ĐA DẠNG HÌNH THỨC TIẾP XÚC GIỮA ĐBQH VỚI CỬ TRI

Sáng 26/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai...

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại quận Cầu Giấy.

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai đã thông báo đến cử tri dự kiến nội dung kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV; đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh báo cáo kết quả trả lời các kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp đó, cử tri 3 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm đã nêu nhiều kiến nghị, mong muốn kỳ họp tới, đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, ban hành các chính sách ổn định phát triển đất nước. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 rất nặng nề, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cụ thể, kịp thời để doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa; xem xét sửa đổi các điều khoản về quản lý đê điều, hồ đập, xử lý khủng hoảng thiên tai…

Cử tri quận Nam Từ Liêm kiến nghị Quốc hội xem xét về mục tiêu quốc gia phát triển giáo dục miền núi, xây dựng những nơi tránh lũ, tránh bão an toàn. Cùng với đó, việc định hướng phát triển đô thị cần gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục công lập, tránh việc xây dựng các khu đô thị nội đô, nhưng thiếu trường, thiếu lớp học như ở một số khu vực của Hà Nội hiện nay.

Cử tri quận Nam Từ Liêm cũng kiến nghị Quốc hội sớm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố, qua đó phát huy ưu điểm, khắc phục những bất cập để mở rộng mô hình ra các địa phương khác, nhằm giảm đầu mối, biên chế…

Cử tri quận Thanh Xuân cho biết, theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, trường hợp người dân tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tỉnh hạng 2 và hạng 1 (không được phân loại tuyến cuối) sẽ không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú, mà chỉ được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú). Để bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và cân nhắc phương án vẫn chi trả cho người dân trong trường hợp khám ngoại trú (có thể chi trả theo tỷ lệ phù hợp).

Cử tri cũng mong muốn Quốc hội sớm xem xét ban hành nghị quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội và những tỉnh, thành phố khác trong cả nước khi bảo đảm các tiêu chí cần thiết để có thể sớm triển khai; khôi phục lại Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em để có một cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tốt nhất, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đáp ứng tình hình mới.

Cử tri nêu kiến nghị tại Hội nghị.

Ngoài ra, cử tri các quận cũng đề cập, kiến nghị các cơ quan hữu quan quan tâm giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến công viên, nhà tái định cư, vệ sinh môi trường; quan tâm đến đời sống giáo viên...

Phát biểu tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là hoạt động tiếp xúc cử tri đầu tiên của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố trước kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân rất tâm huyết, thể hiện việc theo dõi rất sát các hoạt động của cơ quan lập pháp, hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội; đề nghị các sở, ngành, quận cần tiếp thu, chọn lọc những ý kiến thuộc thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Đối với các kiến nghị với Quốc hội, thay mặt Tổ đại biểu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp thu và cho biết sẽ đề cập ở các buổi họp tổ và hội trường tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, Thành phố đang triển khai các nhiệm vụ trọng tâm lớn, đặc biệt là Luật Thủ đô (sửa đổi), vì thế, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, cử tri hiểu và thực hiện tốt các chính sách của Luật.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Về khắc phục cơn bão số 3, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp và thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ đạo những nội dung cụ thể. Dự kiến, kỳ họp chuyên đề của HĐND Thành phố vào đầu tháng 10/2024 sẽ xem xét một số chính sách cho ngành Nông nghiệp, chính sách đầu tư công trình, hồ đập, an sinh xã hội.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành phố đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm, thúc đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Vì vậy, các quận cần chú trọng các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch; tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tốt an sinh xã hội ở địa phương.

Về sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội đã làm đầy đủ các bước theo quy trình, dự kiến sau sắp xếp, có 518 xã, phường, giảm 61 đơn vị.

Về chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường, theo Chủ tịch HĐND Thành phố, việc triển khai tại Hà Nội thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả. Quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tăng thêm số đại biểu, trong đó có đại biểu chuyên trách cho HĐND Thành phố và các quận, qua đó sẽ giúp việc tổ chức bộ máy càng thêm hiệu quả, chất lượng.

(Theo Báo Lao động thủ đô)