Đề xuất phân định rõ các loại hóa chất nguy hiểm, độc hại
Góp ý kiến cho dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) là dành mục 3, từ điều 30 đến điều 37 và mục 4, từ điều 38 đến điều 44 quy định hóa chất kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm. Theo đó, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ có danh mục do Chính phủ ban hành, bao gồm hóa chất thuộc đối tượng kiểm soát để thực thi Điều ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam là thành viên và hóa chất có khả năng gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường. Với việc mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật quy định cần phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37
Đóng góp ý kiến vào những điểm mới trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, Điều 4 của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) có một nội dung liên quan đến mục 4 là hóa chất nguy hiểm và mục 5 là chất độc.
Đề cập về chất Salbutamol, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong Y học, đây là một chất chữa bệnh hen suyễn và bệnh hô hấp. Tuy nhiên, trong chăn nuôi, sử dụng chất tạo nạc Salbutamol lại là chất cấm. Khi chất cấm này tạo nạc trong thịt lợn thì người mua không thể phân biệt được bằng mắt thường mà chỉ có thể quản lý quá trình nuôi và kinh doanh. Đặc biệt, chất tạo nạc Salbutamol đào thải rất chậm, gây nên những biểu hiện đầu tiên của bệnh từ thể nhẹ và sau đó có thể biến chứng ra những bệnh nặng hơn và có thể gây nên ung thư. Chất Salbutamol nếu dùng trong Y tế với liều lượng, hàm lượng rất thấp, nhưng nếu đưa vào chất tạo nạc thì liều lượng lớn hơn rất nhiều. Có thể ở hàm lượng này, chất tạo nạc Salbutamol lại là chất cấm, nhưng ở hàm lượng khác lại là chất chữa bệnh. Điều này chưa được thể hiện trong nội dung của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự sự băn khoăn là đối với lĩnh vực Y tế, chất Salbutamol có thể được sử dụng để chữa bệnh nhưng trong ngành Nông nghiệp, đây lại là chất cấm. Tuy nhiên, nếu đơn vị, tổ chức, cá nhân nhập khẩu chất Salbutamol với mục đích gì và quản lý như thế nào thì trách nhiệm thuộc về Bộ ngành nào và nếu trong trường hợp chất Salbutamol được nhập với một hàm lượng lớn thì cơ quan nào sẽ kiểm soát việc này?
Kể cả chất Nitơ Oxyd (N2O) được sử dụng trong chữa bệnh là chất để an thần, giảm đau trong Nha khoa và được sử dụng trong công nghiệp sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, đồng thời lại được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, nếu lạm dụng, sử dụng ở trong các nơi vui chơi giải trí thì lại ảnh hưởng tới tinh thần và thể chất cũng như là tạo ảo giác cho người dùng.
Với những băn khoăn và lo ngại như trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và các cơ quan hữu quan quan tâm hơn tới việc quản lý các loại chất như trên.
Ngoài ra, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, để khắc phục tình trạng vi phạm về kinh doanh hóa chất, đặc biệt là việc sử dụng sai mục đích vào sản xuất, chế biến thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng - Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các cơ quan nghiên cứu phân công hợp lý trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các Bộ ngành đối về việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật quan tâm bổ sung vào Chương III các quy định về quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm, giới hạn hàm lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm, hóa chất không được sử dụng trong sản phẩm, đánh giá rủi ro đối với sản phẩm chứa hóa chất và quy định doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin nguy hại về hóa chất của sản phẩm cho người sử dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong thời đại khoa học phát triển như hiện nay thì các loại hóa chất thay đổi cũng rất nhanh. Một chất có thể là chất độc tùy theo hàm lượng sử dụng khác nhau.
Tại Điều 39 của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) có đề cập về việc quản lý, sản xuất những hóa chất liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ thì đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, còn nhiều loại hóa chất khác liên quan đến Quốc phòng an ninh, y tế và những lĩnh vực khác thì cũng nên giao cho Bộ ngành có chuyên môn của từng lĩnh vực cụ thể quản lý. Bởi vì tính chất của hóa chất rất đa dạng, sử dụng trong các lĩnh vực có sự khác nhau. Do đó, việc quản lý, sản xuất hóa chất nên giao cho Chính phủ và các Bộ quy định là hợp lý.
Đưa ra quan điểm khác về việc quản lý việc mua bán, sử dụng hóa chất, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, việc quản lý các hóa chất còn chưa chặt chẽ. Bằng chứng là đã xảy ra 2 vụ án rất nghiêm trọng liên quan chất Xyanua ở Đồng Nai và vụ án người Việt tại Thái Lan. Dù lượng rất nhỏ nhưng các vụ án đều rất nghiêm trọng, ảnh hưởng quốc phòng an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) có Điều 33 về kiểm soát mua bán hóa chất là phải kiểm soát đặc biệt. Với việc mua bán hóa chất, dự án Luật chỉ quy định về phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán.
Tuy nhiên, hiện nay, người mua, bán hóa chất chỉ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng Internet và giao ở một địa điểm nào đó nên việc quản lý mua bán rất khó khăn. Chúng ta đã để lọt việc quản lý này trong khi hiện nay mạng xã hội, công nghệ rất phát triển. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu thêm quản lý các hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như Xyanua và các hóa chất khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị; tiếp thu đầy đủ các giải trình, các ý kiến tham gia đóng góp. Ủy ban KHCN&MT thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện./.