Phát huy giá trị cốt lõi của cố đô di sản, xây dựng mô hình đô thị hiện đại

05/10/2024

Thống nhất cao sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây, Uỷ ban Thường vụ cho rằng, cần phát huy được những giá trị cốt lõi của 1 cố đô di sản, xây dựng mô hình đô thị hiện đại, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương

Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau gần 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, cụ thể: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,03%, tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương thực hiện 10.487 tỷ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kỳ; bảo đảm quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao….

Ngày 30/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; các khu vực thành lập quận, thị xã, phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được công nhận đạt tiêu chí về phân loại đô thị và trình độ cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô 

Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà còn cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Thống nhất với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần xây dựng thành phố Huế hiện đại nhưng vẫn mang trong mình nhiều giá trị của 1 cố đô lịch sử. Đồng thời, quan tâm trước, trong và sau về chất lượng đô thị; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, tiêu chí để Huế phát triển, đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước.

Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thành Tùng cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là phù hợp với các chỉ đạo và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và hoàn toàn đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 đối với trường hợp thành lập ĐVHC đô thị có yếu tố bảo tồn di sản. Đối chiếu với hiện trạng thực tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, bên cạnh các điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và các quận, thị xã, phường, thị trấn cũng sẽ dẫn tới một số khó khăn, thách thức cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, như: việc xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp; việc chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị;…

Xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, hiện đại

Tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thừa Thiên Huế có giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định, duy trì hoạt động của mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, đặc biệt là các huyện, các thị xã,…. Đồng thời, cần xây dựng phương án, kế hoạch để chuyển đổi cơ cấu xã hội nghề nghiệp, cơ cấu kinh tế chi tiết, cụ thể, đặc biệt là cơ cấu xã hội nghề nghiệp, vì từ nông thôn lên thành đô thị, từ thành phố nhỏ lên thành phố lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương 

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh phải có những chính sách đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, về chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào thế mạnh của Thừa Thiên Huế. Trong đó, chính sách đổi mới khoa học, công nghệ theo đúng như tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng phải báo cáo các cấp có thẩm quyền để cụ thể hóa chủ trương thành những quyết sách hết sức cụ thể, cơ chế đặc thù. Như vậy, mới tạo sức bật, thúc đẩy Huế đạt được những mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Cho rằng mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngang tầm với các đô thị lớn trong cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, có giải pháp nâng cao năng suất lao động và thu nhập đầu người ở các huyện, như huyện Quảng Điền, huyện Nam Đông và đặc biệt là huyện A Lưới; đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa và tiệm cận dần với khu trung tâm và khu ven biển.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc trung ương là một quá trình liên tục, lâu dài và phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đến nay các tiêu chí đã đạt được theo yêu cầu tại các Nghị quyết có liên quan. Việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố sẽ tạo ra động lực và sức bật mới cho Huế trong tương lai để phát triển nhanh, bền vững và thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng một đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Đồng thời, thành phố Huế cùng với Đà Nẵng sẽ trở thành một khu vực động lực của khu vực Duyên hải miền Trung và thực hiện chiến lược phát triển đô thị Việt Nam.

Một số vấn đề liên quan đến mô hình đô thị sắp tới, đặc biệt là mô hình chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù để phát triển thành phố Huế tương lai, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, sau khi Đề án thành phố Huế trực thuộc trung ương được quyết định, sẽ tiếp tục nghiên cứu Đề án về mô hình chính quyền đô thị và đặc biệt tổng kết Nghị quyết số 38/2021/QH15 về cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, đề xuất Chính phủ, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội xem xét có những cơ chế mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thành phố Huế phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Báo cáo làm rõ thêm thông tin tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thời điểm này việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã rất chín muồi, hội tụ được tất cả các yếu tố cần và đủ. “Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất sâu sắc, không chỉ riêng của Thừa Thiên Huế, vùng duyên hải miền Trung, mà của cả nước. Nếu được Quốc hội quyết định thông qua, đây sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử của đất nước khi bước vào một kỷ nguyên mới,...”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực vượt bậc, cùng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của Quốc hội, Chính phủ, trong suốt quá trình 15 năm qua kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu. Trong quá trình xây dựng Đề án, luôn quán triệt nguyên tắc phải đảm bảo những đặc trưng rất cơ bản của một cố đô di sản, thành phố mang tính đặc trưng riêng của Việt Nam. Đồng thời, bảo tồn và phát huy toàn diện, hiệu quả giá trị của di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế với tư cách là thành phố di sản đầu tiên trực thuộc trung ương để Huế phát triển nhanh, bền vững vì cả nước và cả nước vì Huế. Bên cạnh đó, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản với tổng thể các đô thị Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị… Đề án được đặt trong tổng thể thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Kết luận số 48/KL-TW của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy đã được Chính phủ tiến hành thận trọng và kỹ lưỡng./.

Lê Anh