Xác định rõ động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025

04/11/2024

Ngày 4/11, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đề nghị đề nghị xác định rõ các động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025 để đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao.

Tổng thuật sáng 4/11: Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Rà soát các điều kiện kinh doanh, gỡ rào cản thể chế

Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 đạt 6,82% và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng cả năm vượt 7%, đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu nêu con số, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta ước đạt trên 610 tỷ USD, xuất siêu đạt trên 21 tỷ USD. Đồng thời dự báo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục trên 800 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường, trong đó xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao.

Tuy nhiên đối với khu vực kinh tế trong nước, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội của hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.

Tại kỳ họp thứ 8, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đánh giá, đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và sự quyết tâm từ bỏ tư duy không quản được thì cấm và phòng, chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng của Trung ương; đồng thời cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.

 Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng

Theo đại biểu mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn, do đó cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai, doanh nghiệp, doanh nhân rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá, cần có sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí, khích lệ, đào tạo, đồng hành. Sự đổi mới nói trên sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, tham gia vào thị trường.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh như những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã nêu ở trên. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020.

Xác định rõ các động lực tăng trưởng

Để đạt được mục tiêu năm 2025, tăng trưởng từ 6,5 đến 7% và cao hơn nữa là 7-7,5%, Chính phủ đã nêu 11 nhóm giải pháp. Quan tâm đến nhóm giải pháp thứ nhất trong 11 nhóm giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần xác định ba động lực tăng trưởng nội sinh của đất nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Về xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng 15,4%, tuy nhiên, tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 28%. Vì vậy, cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Gần đây các sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế với 1.500 doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài, doanh thu ngày càng tăng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Đối với tiêu dùng nội địa, đại biểu nhận định, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng (tăng trưởng 8,8%), nhưng so với trước thời điểm dịch Covid-19 còn thấp (trước đại dịch tăng trưởng 2 con số). Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế; cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bên cạnh khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh sự cần thiết đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. “Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên, v.v.. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Chuyển đổi xanh được xác định là một trong những động lực chính cho phát triển, đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu và 11 nhiệm vụ giải pháp cho năm 2025 đã liên tục khẳng định hướng "chuyển đổi xanh" của nước ta.

Tuy vậy, ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai. Vì vậy, để các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với tiến trình chuyển đổi xanh, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị có giải pháp phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh. Trong đó, năm 2025, sớm ban hành các quy định ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công, ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh như tỷ lệ bắt buộc mua sắm các loại xe công phải sử dụng nhiên liệu sạch, bắt buộc mua sắm các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, bắt buộc xây dựng các công trình xanh khi xây mới các trụ sở.

Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cũng như thực thi, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ.

Nêu thực tế việc thực hiện chuyển đổi xanh ở các địa phương chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên, thủ tục để tiếp nhận các nguồn lực này hiện khá phức tạp. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định liên quan đến sử dụng vốn viện trợ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh.

Tăng năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông ghi nhận tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, vì chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

“Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê, chỉ tiêu về tăng năng suất lao động đạt với kế hoạch đề ra, nhưng cần cân nhắc, tính toán thận trọng kỹ hơn. Bởi để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội trung bình phải đạt từ 5,5 tốc độ tăng năng suất trở lên mới đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% - 7%. Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng năng suất xã hội, ngoài những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cần phải giải phóng mạnh nguồn lực xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy.

“Hiện nay, một hồ sơ phải đi qua rất nhiều cơ quan, mà một cơ quan qua rất nhiều bộ phận. Tôi nghĩ cần phải rút gọn bộ máy để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội để tăng năng suất lao động”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

Lan Hương

Các bài viết khác