Toàn cảnh Phiên họp
Nhiều chính sách mới có ý nghĩa với nhà giáo
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Nhà giáo gồm 09 chương, 50 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.
So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...
Đại biểu Hà Phước Thắng điều hành nội dung Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, chi tiết, nhiều nội dung có ý nghĩa lớn đối với nhà giáo như quy định về: Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, quy định về tuyển dụng và chính sách tiền lương…
Bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết của dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao quy định về: Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo; việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; việc quy định cụ thể trong tuyển dụng nhà giáo phải đảm bảo có kinh nghiệm thực hành về sư phạm nhằm lựa chọn được người đủ năng lực gắn với chuẩn ngành nghề giáo dục; đặc biệt là quy định về chính sách tiền lương.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc dự thảo Luật quy định chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên, trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật... là rất đúng, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo đối với nghề nhà giáo, nghề trồng người cao quý nhất.
“Ở các thành phố lớn, có nhiều thu nhập tăng thêm thì giáo viên có thể sống được bằng lương. Nhưng nếu ở các địa phương khác, nhất là đối với những giáo viên mới bước vào nghề và không có những phụ cấp tăng thêm thì lương rất thấp, cuộc sống rất khó. Sau khi giảng dạy một thời gian mới có cải thiện. Do vậy, đánh giá về mặt bằng chung, việc quy định xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là rất đúng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về biện pháp để bảo vệ nhà giáo trong trường hợp bị tố giác, tố cáo sai. Bởi đối với nghề giáo, kể cả khi được minh oan những sự việc này vẫn ảnh hưởng lâu dài đến uy tín cá nhân và khả năng hành nghề của nhà giáo. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng cần cân nhắc, xem xét lại quy trình xét chức danh giáo sư, phó giáo sư; và lưu ý về chính sách đối với nhà giáo ở vùng khó khăn, trường chuyên biệt.
Tạo điều kiện để nhà giáo phát triển và phát huy năng lực
Góp ý hoàn hiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, dựa trên Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa nhà giáo và cơ quan quản lý (nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo…).
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân
Liên quan đến nội dung về quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, các quy định cần đảm bảo giao nhiệm vụ cho nhà giáo phù hợp với loại hình cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi để nhà giáo phát triển và phát huy năng lực (bao gồm cơ sở vật chất, chương trình đào tạo bồi dưỡng…); có cơ chế đánh giá nhà giáo một cách khách quan, dân chủ, khuyến khích được những nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần làm rõ vai trò của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, theo đó cần quan tâm đến tiêu chuẩn và đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó, vì đây là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ nhà giáo.
Theo đại biểu Dương Văn Thăng, dự án Luật nhà giáo hiện nay chưa có quy định cụ thể về chức danh nhà giáo là sĩ quan trong quân đội nhân dân. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định theo hướng giao Chính phủ quy định về những vấn đề cụ thể liên quan đến lực lượng nhà giáo công tác trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Đại biểu Dương Văn Thăng
Ngoài ra, đại biểu cũng tán thành với chính sách điều động nhà giáo nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét lại thời gian bảo lưu chế độ chính sách khi điều động.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, dự án Luật Nhà giáo cần có các quy định nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực sự được tôn trọng, bảo vệ, được trang bị các kỹ năng cần thiết như phát hiện các trường hợp bạo lực học đường và có chế tài xử lý các hành vi không đúng mực đối với nhà giáo.
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng góp ý vào các nội dụng cụ thể của dự án Luật Việc làm (sửa đổi)./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Các đại biểu tại Phiên họp
Đại biểu Hà Phước Thắng
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân