Thảo luận Tổ 5: Nên giao quyền và trách nhiệm cho ngành Giáo dục tuyển dụng nhà giáo

09/11/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, nên giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, để không quá phụ thuộc vào ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng và cũng dễ dàng hơn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các địa phương một cách phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình số 656/TTr-CP ngày 17/10/2024 của Chính phủ và cho rằng: Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khẳng định, nhà giáo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ chỉ tiêu giáo viên theo dân số ở địa phương. Giáo viên ở thành phố lớn thì thừa nhưng ở những vùng khó khăn lại thiếu. Việc tuyển chọn giáo viên vẫn đang do ngành Nội vụ ở các địa phương thực hiện nên không thể giải quyết được hết bài toán về thừa, thiếu giáo viên.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Trước thực tế trên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo là việc tuyển chọn giáo viên nên giao cho ngành Giáo dục ở các địa phương tuyển chọn. Mặt khác, việc giảm biên chế cũng cần xem xét để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Châu Quỳnh Giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhất trí với việc giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, để không quá phụ thuộc vào ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng và cũng dễ dàng hơn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các địa phương một cách phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Về thẩm quyền tuyển dụng được quy định tại khoản 2, Điều 16, đại biểu Châu Quỳnh Giao thống nhất với việc nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện nay, nếu vẫn giao cho ngành Nội vụ tuyển dụng giáo viên theo số học sinh/lớp thì còn khiến cho những vùng, miền khó khăn không thể tuyển đủ giáo viên các môn học vì số lượng học sinh/lớp ở những nơi này thường không thể đông đủ như các thành phố lớn. Các địa phương không thể lấy biên chế giáo viên của tỉnh này chuyển sang tỉnh khác. Vì vậy, giải pháp giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên là hợp lý. Ngành Nội vụ có thể phối hợp với ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên ở các địa phương nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tuyển đủ, đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 5 còn cho ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, đa số các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình số 676. Đồng thời, các ĐBQH cũng cho rằng, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 5:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 5

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc./.

Bích Lan - Nghĩa Đức