Tổng thuật sáng 20/11: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Dự cuộc gặp mặt có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Cùng dự cuộc gặp mặt có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn. Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, thay mặt toàn ngành Giáo dục và lực lượng các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội luôn quan tâm và ngày càng quan tâm thiết thực hơn tới phát triển giáo dục nói chung và phát triển lực lượng nhà giáo nói riêng. Điều đó được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong Hiến pháp, Nghị quyết và rất nhiều chính sách quan trọng cùng với nhiều quyết sách cụ thể trong suốt những năm qua. Gần đây nhất, trong Kết luận 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sáng nay, đúng ngày 20/11, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo với rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của đại biểu Quốc hội. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri và Nhân dân cả nước tới dự án Luật có ý nghĩa thiết thực, quan trọng đối nhà giáo và sẽ tác động sâu sắc tới đội ngũ nhà giáo khi được thông qua và ban hành.
Quang cảnh cuộc gặp mặt.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của tất cả các đại biểu để có những điều chỉnh phù hợp theo hướng Luật nếu được ban hành sẽ đạt được những mục tiêu tích cực mà dự án Luật đang hướng tới về phát triển lực lượng nhà giáo, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là đại biểu Quốc hội; chúc các cô, các thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và hết lòng với nghề giáo; đặc biệt luôn làm tốt vai trò đại diện, kết nối và chuyển tải đầy đủ thông tin giữa nghị trường Quốc hội và cử tri, Nhân dân cả nước; chúc toàn thể các nhà giáo, nguyên là nhà giáo trên các cương vị mới luôn phát huy tinh thần, phẩm chất của nhà giáo để nghề giáo luôn lan tỏa tốt đẹp ở bất kỳ môi trường, vị trí nào.
Cũng tại cuộc gặp mặt, các ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về công tác giáo dục cũng như dự án Luật Nhà giáo đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin về cuộc gặp mặt...