Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

21/11/2024

Chiều 21/11, góp ý trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cần giải quyết hài hòa bài toán giữa bảo tồn và phát triển, đảm bảo không phá vỡ không gian di sản.

Có cơ chế, chính sách đặc thù, huy động nguồn lực để Huế phát triển nhanh, bền vững

Toàn cảnh phiên họp

 Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp với từng vùng miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản du lịch; đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa của Huế; nhằm đưa Huế thực sự trở thành một trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ xứng tầm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Theo đại biểu, nếu được Quốc hội cho phép thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là điều kiện thuận lợi, động lực quan trọng để đưa Huế vươn mình tiến xa về kinh tế - xã hội, phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị, di sản văn minh, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và văn minh, đáp ứng mọi kỳ vọng của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Huế nếu được thành lập bước đầu sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đô thị hóa hiện nay mới chỉ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện, vì vậy đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí cao với quan điểm phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế và du lịch là kinh tế mũi nhọn, thành phố Huế là đô thị di sản.

Theo đại biểu, bên cạnh việc giải quyết tốt mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa, để giữ gìn cảnh quan, môi sinh, di sản, di tích, đề nghị xem xét thỏa đáng việc đào tạo nghề chuyển đổi cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi, người dân là người dân tộc thiểu số. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ và du lịch với quần thể di tích Cố đô Huế và gia tài di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, việc kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác và quốc gia khác trong khu vực rất cần được quan tâm, đẩy mạnh. “Trước mắt, cần tập trung nguồn lực để trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế, coi đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế. Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình, hạng mục trong quần thể chưa được phục dựng, trùng tu, tôn tạo và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của quần thể di tích Cố đô...”, đại biểu đề xuất.

 Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam 

Nêu quan điểm, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, với tính chất đô thị di sản là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, việc nâng Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để địa phương phát triển nhưng vẫn giữ được nét riêng có của xứ Huế để Huế cùng với Đà Nẵng trở thành phố động lực, thúc đẩy khu vực miền Trung phát triển. “Thành phố Huế khi được là thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có những chuyển mình tích cực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đặc biệt là giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô có một không hai...”, đại biểu kỳ vọng.

Theo đại biểu, để đảm bảo cho thành phố Huế sau khi trở thành phố Trung ương phát triển bền vững cần giải quyết được bài toán cốt lõi giữa bảo tồn và phát triển. Thống nhất cao với quan điểm bảo tồn là cốt lõi với đặc thù là đô thị di sản, là cố đô với nhiều nét đặc trưng riêng có đã làm nên xứ Huế đầy thơ mộng, đại biểu cho rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế phải đặt trong yêu cầu của công tác bảo tồn các giá trị di sản, giá trị văn hóa. "Đề nghị nghiên cứu, xem xét thiết kế trong nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế cần đặt vấn đề về yêu cầu phát triển văn hóa gắn với đặc thù đô thị di sản để quá trình phát triển không phá vỡ không gian di sản...", đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh.

Lưu ý, một trong những yêu cầu lớn để bảo tồn di sản Cố đô Huế là di dân, giãn dân ở Đại Nội kinh thành Huế, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị trung ương cần phải có sự hỗ trợ, đồng hành cùng với Thừa Thiên Huế hoàn thành yêu cầu đặt ra, sớm trả lại nguyên trạng không gian Cố đô Huế. Ngoài ra, cùng với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, cũng cần có những cơ chế đặc thù, vượt trội, phù hợp với thực tiễn để thành phố Huế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.

 Đại biểu Lê Trường Lưu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Về nội dung này, đại biểu Lê Trường Lưu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, đô thị nén, việc giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước.

Theo đại biểu, Huế sẽ nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố Huế xứng tầm, đáp ứng với yêu cầu, sự tin tưởng, ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội cũng như lời chỉ đạo trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: "Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước"./.

Lê Anh

Các bài viết khác