Tổng thuật chiều 25/11: Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

25/11/2024

Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tổng thuật sáng 20/11: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV 

Theo chương trình, sau thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, thời gian từ 14h đến 15h40, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước. 

Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.

Tại phiên thảo luận Tổ đã có 86 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. Trong phiên họp chiều 25/11, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 05 vấn đề gợi ý thảo luận đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

14h02: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nên để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường

Góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.

Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. 

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.

Về cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng cần có sự thống nhất với Luật Xây dựng, Luật Đường bộ.

14h09: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Chú ý vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo là vấn đề cần được quan tâm. Đại biểu cho biết, nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật hiện hành.

Theo đại biểu, Luật hiện hành nêu rõ, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài. 

Đại biểu chỉ ra thực tế, tại những nơi có khách nước ngoài lưu trú, một số nơi có thực đơn viết tiếng Việt cỡ nhỏ hơn tiếng nước ngoài; một số nơi để tiếng Việt sau/dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết luôn tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài….

Đại biểu nhấn mạnh, tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính mà còn là phương tiện lưu giữ trao truyền văn hóa của bao thế hệ. Do vậy, những trường hợp không sử dụng tiếng Việt như trên cần được điều chỉnh rõ trong Luật sửa đổi lần này.

14h15: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Rà soát nội dung về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” 

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng bày tỏ quan tâm đến nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo Luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo…

Đại biểu cho biết, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 02 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet. 

Đối với quảng cáo trên truyền hình, đại biểu cho biết, nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình, trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo. Chính vì thế, đây là hình thức mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Khái niệm tại dự thảo Luật cũng đã bỏ qua phạm vi “trên truyền hình” này.

Đối với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, You Tube, Instagram,.… hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet. Do đó, đại biểu cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…

Đặc biệt đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như: Quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo…

Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”.  Về nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.

14h21: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo 

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo... 

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi. 

Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.

14h26: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình

Góp ý về quảng cáo trên báo in tại Điều 21 của Luật quảng cáo năm 2012, theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. 

Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.

Vì vậy, đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút.” Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim. Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.

Đại biểu cho rằng, để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.

Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin. Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.

Về báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Tại dự thảo Luật Quảng cáo quy định: Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, việc quy định về chế độ báo cáo hoạt động của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là cần thiết, nhằm giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức này hiệu quả hơn, tuy nhiên cần bổ sung quy định về hình thức báo cáo: gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc trực tuyến qua Cổng TTĐT nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo của những chủ thể này.

14h33: Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Cần có quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau

Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.

Liên quan đến quảng cáo rao vặt, khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định cấm hành vi “Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng”. Đại biểu cho rằng, nhu cầu quảng cáo rao vặt cũng như các dịch vụ quảng cáo rao vặt của người dân là rất lớn và là nhu cầu thiết yếu. 

Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt; có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi vi phạm, tạo hành lang pháp lý cho quảng cáo rao vặt đúng pháp luật; vừa văn minh, vừa hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đối với quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như: rượu, bia; sản phẩm dinh dưỡng; các loại hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, thuốc bảo vệ thực vật v.v…), bảo đảm thống nhất với các Luật chuyên ngành (như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh v.v…). Và khi có trường hợp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác phát sinh trên thực tế thì tiếp tục giao Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành.

14h38: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong quảng cáo

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. 

Đại biểu nhấn mạnh, quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.

Đại biểu cho rằng, cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dụng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.

Về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành với thời lượng là 5%. Mặc dù việc tăng thời lượng quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đài, tuy nhiên đồng nghĩa với việc nhà tiêu dùng phải đối mặt với nhiều phiền toái và bất tiện hơn.

14h43: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Xử lý hiệu quả vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Quảng cáo lần này quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo…

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn. 

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.

14h49: Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Chamaléa Thị Thủy quan tâm đến công tác quản lý của Nhà nước về những quảng cáo không đúng theo quy định. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đại biểu yêu cầu trong dự án Luật cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo...

Theo biểu Chamaléa Thị Thủy, hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai. 

Cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo. 

Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp. 

14h52: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng

Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng. Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.

Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (bổ sung khoản 5 sau khoản 4, Điều 31 sửa đổi, bổ sung), dự thảo luật quy định tự chịu trách nhiệm của người, đơn vị quảng cáo, đại biểu đề nghị cân nhắc bởi biển hiệu, bảng quảng cáo có kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì cần tính đến tính an toàn, chịu lực của công trình được gắn biển hiệu, bảng quảng cáo cũng như biển hiệu, bảng quảng cáo với kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận và an toàn đối với cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng. Hơn nữa, việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo cũng phải phù hợp với các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị.

14h59: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo nhằm hoàn thiện khung pháp lý, quản lý hoạt động quảng cáo trong bối cảnh ngày càng phát triển.

Góp ý về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo, nữ đại biểu tỉnh Bình Định cho biết, dự thảo luật quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu. Tuy nhiên, cần phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể: Nhãn hàng chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và nội dung thông tin cung cấp. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm đảm bảo phù hợp, đúng với nội dung được doanh nghiệp cung cấp.

Về Yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như sữa, thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng), đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quảng cáo các sản phẩm đặc biệt dành cho trẻ em, đặc biệt là các sản phẩm thay thế sữa mẹ ngay từ khi chào đời, vì đây là những sản phẩm rất khó kiểm soát.

Về quảng cáo trên báo in, báo hình, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát các Luật liên quan trong quản lý, xử lý, các giải pháp cụ thể nhằm quản lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, đặc biệt các chính sách, giải pháp đảm bảo hoạt động báo chí, truyền hình thực hiện chính nhiệm vụ chính trị, là kênh chính thống, uy tín, qua đó thu hút khách hàng là độc giả, doanh nghiệp chủ động tìm đến, bên cạnh giải pháp “tăng tỷ lệ quãng cáo trên báo giấy” khi mà chúng ta chưa khai thác hết dung lượng quảng cáo đã đề ra.

15h04: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tranh luận

Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, các ý kiến của các ĐBQH đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo.

Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in. Thị trường có thể biến động, do đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tình quảng cáo này và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm. Báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định. 

Do đó, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng NSNN, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được bao tiêu sản phẩm… Có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do NSNN bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc hiện nay rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội.

15h06: Đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Sùng A Lềnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Đại biểu bày tỏ tán thành chủ trương quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tuy nhiên, điểm c, khoản 5 Điều 15a của luật hiện hành quy định: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Đại biểu cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. 

Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc quy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.

Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua. 

Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân như trang cá nhân trên mạng xã hội, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc quảng cáo xuyên biên giới có tính đặc thù, đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là với quảng cáo về thực phẩm dược, hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại, nguy hiểm. 

Ngoài ra, đại biểu cho biết, một số nền tảng xem video trực tuyến như YouTube, Facebook đang chèn quảng cáo một hoặc nhiều lần trong quá trình xem video, nhưng người xem không thể tắt quảng cáo nếu chưa hết thời lượng video quảng cáo được chèn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp này, không tạo lỗ hổng pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng xem video trực tuyến, tạo sự bất bình đẳng giữa hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này với các hoạt động quảng cáo trên các kênh khác.

15h11: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần có chế tài mạnh với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân đánh giá nội dung dự thảo Luật và các Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, chi tiết. Quan tâm đến nội dung quy định về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc liệt kê chi tiết các sản phẩm đặc biệt trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm này thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Thay vào đó, nên đưa ra cách thức quy định linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Liên quan đến nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, dự thảo Luật đang đề xuất nâng diện tích công trình quảng cáo từ 20m2 lên 40m2 để giảm thủ tục hành chính. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, vì các công trình quảng cáo lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn, đặc biệt là kết cấu khung kim loại gắn với công trình xây dựng cao tầng. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa đề cập đến các hình thức quảng cáo ngoài trời mới. Do vậy, cũng cần bổ sung quy định cho đầy đủ để đảm bảo tính bao quát và linh hoạt trong quản lý.

Đại biểu cho rằng, việc xử lý quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng. Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng. “Do đó, tôi đề xuất xem xét bổ sung quy định về thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm …”, đại biểu nêu quan điểm. 

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm chế tài cụ thể như thông báo công khai hoặc phạt thật nặng với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc có vi phạm nhiều lần.

15h18: Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần có quy định cụ thể về việc quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục

Nêu quan điểm về việc quảng cáo trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc này như thế nào. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, đưa ra quy định rõ hơn về việc quảng cáo trên mạng xã hội... 

Thực tế cho thấy, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá nhiều và đôi khi phát lại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Trong khi đó, một số nội dung quy định vẫn mang tính chung chung như cấm quảng cáo sản phẩm trái với văn hóa. Trong khoản ba, Điều 8 của Luật Quảng cáo chưa quy định rõ cụ thể thế nào được gọi là trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chưa định hướng cho Đài Truyền hình thực hiện hoạt động quảng cáo hiệu quả.

 Do đó, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này phải có quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là như thế nào?

15h23: Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Nhận diện ảnh hưởng xấu của quảng cáo đối với trẻ em

Đại biểu Lê Văn Khảm quan tâm đến ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em. Đại biểu cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em. Vì vậy, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em. Đại biểu khẳng định, những quy định này là đúng nhưng còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng. Đại biểu cho rằng việc nhận diện hay đánh giá thế nào về ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em là vấn đề cần quan tâm.

Theo đại biểu, nếu quảng cáo hướng đến trẻ em, thì ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã có sự chú ý từ các chuyên gia và các cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá. Nhưng có những quảng cáo không trực tiếp hoặc không hoàn toàn hướng đến trẻ em nhưng trẻ em cũng có thể bị tác động khi tiếp nhận quảng cáo, thì việc nhận diện và đánh giá tác động là khó khăn nhất định. Có một số quảng cáo có thể chưa vi phạm đến thuần phong mỹ tục nhưng có những hình ảnh không đẹp mắt. Đại biểu lấy ví dụ quảng cáo thực phẩm có hình ảnh người truyền tải có động tác hay cách ăn uống rất xấu làm cho trẻ em tưởng rằng thế là đúng, thế là vui, trong khi chúng ta còn đang dạy trẻ em học ăn, học nói, học gói, học mở…

Vì thế, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em. Theo đó, cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo. 

Trong dự thảo luật có điểm mới thuộc về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định quảng cáo. Đại biểu ủng hộ việc có Hội đồng này song cần xác định rõ nhiệm vụ của Hội đồng; thay vì chỉ tổ chức thẩm định quảng cáo thì nhiệm vụ quan trọng hơn là xây dựng bộ tiêu chí hay bộ công cụ, phương pháp đánh giá sản phẩm quảng cáo trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả đánh giá về tác động đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. 

Bộ tiêu chí này cũng sẽ là cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có sản phẩm quảng cáo và người thực hiện truyền tải quảng cáo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quảng cáo bảo đảm đúng quy định; đồng thời Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định quảng cáo này cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát quảng cáo. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc kiểm soát, hạn chế tác động không mong muốn của quảng cáo.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo lưu ý rà soát thể hiện lại về mặt kỹ thuật lập pháp, bảo đảm chính xác về nội dung, rõ về bản chất và thống nhất cách hiểu; cũng như phù hợp với các quy định của các văn bản luật khác.

15h29: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Đề xuất sửa thành Luật Quảng cáo (sửa đổi)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, dự thảo Luật lần này sửa đến 20 điều, chiếm gần 50% tổng số điều với 15 trang so với 21 trang của Luật hiện hành. Theo đó, tập trung bổ sung trách nhiệm quản lý về các hoạt động quảng cáo như trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các UBND cấp tỉnh. Các hoạt động quảng cáo chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng tình với các nội dung sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước đã được quy định về các bộ ngành chuyên môn, tuy nhiên, có nhiều quy định liên quan đến các chế độ, chính sách tài chính, các hoạt động thu chi ở các văn bản dưới luật… cũng chưa được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Và mỗi dự án Luật điều chỉnh là tổng hòa các mối quan hệ quy phạm pháp luật, không chỉ riêng một bộ ngành quản lý nào. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét, chỉ đạo Cơ quan soạn thảo trình Luật Quảng cáo (sửa đổi) chứ không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo như hiện nay, vì có quá nhiều nội dung sửa đổi.

Đồng thời cần rà soát, bổ sung các nội dung như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, bộ ngành, vấn đề quản lý về tài chính, chế độ thu chi, chế tài xử phạt vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo; rà soát, bổ sung thêm các hình thức quảng cáo mới. 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ mong muốn Chính phủ rà soát một cách tổng thể và sửa đổi một cách toàn diện hơn Luật này.

15h34: Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Rà quét các trang thông tin đặt quảng cáo

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng vấn đề rà quét trang tin để đặt quảng cáo vào trong hay đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu chỉ rõ, khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật hiện hành theo hướng quy định sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Quy định yêu cầu người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo và các nội dung liên quan khác không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật. Điều này thực chất quy định các chủ thể nêu trên phảo đảm bảo các trang thông tin điện tử nơi họ định đặt quảng cáo không chứa nội dung vi phạm pháp luật. Do đó, họ phải rà quét các trang này rất kỹ.  

Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp, vì dù có các công cụ sàng lọc thì số lượng nội dung trên mạng là quá nhiều để có thể rà soát hết một cách hiệu quả. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về cơ chế thông báo và gỡ bỏ khi phát hiện nội dung vi phạm pháp luật trong một thời gian nhất định. Quy định này sẽ đảm bảo khả thi và doanh nghiệp sẽ dễ dàng nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật hơn.

15h38: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý…

Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay. 

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu cùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…

Đối với các góp ý của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Liên quan đến quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tính toán lại và giao Chính phủ hướng dẫn.

Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.

15h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận có 17 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu giải trình nội dung đại biểu quan tâm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 8. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, tương thích, khả thi giữa dự thảo luật với các luật chuyên ngành’ một số quy định của luật cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người tiêu dùng của doanh nghiệp, của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo, như quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…

Về quảng cáo trên không gian mạng, nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng để đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khắc phục những tồn tại, hạn chế và quảng cáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. 

Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt; đồng thời một số ý kiến cho rằng không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong dự thảo luật, vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội