Tích cực tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án hành chính tồn đọng, kéo dài

26/11/2024

Thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác thi hành án năm 2024 tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu cho rằng, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, do đó, cần phân tích thấu đáo, xác định rõ trách nhiệm cũng như tính nêu gương của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền phải thi hành án. Đồng thời cần tổng kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình giải quyết các vụ việc, xét xử, thi hành án hành chính, từ đó có các giải pháp quyết liệt, tích cực tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài.

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2024

Quốc hội nghe các báo cáo công tác tư pháp năm 2024

Toàn cảnh Phiên họp

Qua thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2024, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo của các cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật, thi hành án cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác thi hành án năm 2024.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự

Góp ý về công tác thi hành án dân sự, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng nhận thấy, trong năm 2024 vừa qua, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức như số vụ việc thụ lý mới tăng cao, các vụ việc phải thi hành án ngày càng phức tạp, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao với nhiều kết quả khả quan. Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng cường tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, qua đó bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Về các giải pháp năm 2025, đại biểu Lã Thanh Tân cơ bản đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra đối với công tác thi hành án dân sự năm 2025, trong đó việc hoàn thiện thể chế về công tác thi hành án dân sự là giải pháp căn cơ nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội theo đúng tiến độ, thể chế đầy đủ các chính sách đã được thông qua, như người được thi hành án dân sự có quyền chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án.

Đồng thời đề nghị áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, khắc phục triệt để những vướng mắc đang cản trở làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự; xác định đúng vai trò, quyền hạn của chấp hành viên trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong tổ chức thi hành án như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, UBND các cấp, quy định đầy đủ, đồng bộ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với cơ quan có liên quan khác trong từng giai đoạn thi hành án, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục thi hành án gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục thi hành án.

Đối với các vấn đề cụ thể từ thực tế ở địa phương, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có biện pháp quản lý nhà nước hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cụ thể đối với thẩm định viên giá về giá trong việc thẩm định giá tài sản thi hành án. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác tiền kiểm của cơ quan kiểm sát đối với những khâu, bước vào quá trình thi hành án nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh những sai sót không đáng có xảy ra và gây hậu quả cho các bên.

Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền phải thi hành án

Liên quan tới công tác thi hành án hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo số liệu phản ánh thì trong kỳ báo cáo cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền đã thi hành án xong 896/1.973 bản án, có nghĩa là tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên nếu tính về tỷ lệ chỉ đạt có 45,41%. Như vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu quý IV còn lại liệu có thể thực hiện được các bản án đạt hơn 54% còn lại hay không? Đây là một câu hỏi cần phải được trả lời.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Thứ hai, trong báo cáo của Chính phủ có một nhận định, số bản án đã thi hành xong tăng so với năm 2023, tuy nhiên, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, tức là năm 2022 tăng 77 kiến nghị; năm 2023 tăng 135; năm 2024 tăng 175 kiến nghị. Như vậy, có nghĩa cả 2 số liệu này đều tăng, đề nghị làm rõ tại sao là tăng ở mục thi hành xong nhưng cũng tăng ở số bản án tồn đọng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần phân tích thấu đáo, xác định rõ trách nhiệm cũng như tính nêu gương của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền phải thi hành án.

Bên cạnh đó, trong báo cáo của Cơ quan thẩm tra có nhận định, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá được tổng thể công tác xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc và trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành chưa có số liệu về cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự vi phạm bị xử lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần phân tích kỹ nguyên nhân nào thuộc về tổ chức, cá nhân, nguyên nhân nào thuộc về chế tài, hệ thống pháp luật và nguyên nhân nào do thực hiện quy trình bảo đảm kỷ cương. Nếu thiếu chế tài thì chúng ta phải có những sửa đổi về hệ thống luật pháp. Nếu thiếu ý thức chấp hành thì vấn đề nêu gương, vấn đề quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân phải rõ. Còn nếu thiếu sự nghiêm minh trong tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị cần phải chấn chỉnh các khâu trong quy trình chấp pháp.

Tích cực giải quyết tốt các vụ việc, vụ án hành chính tồn đọng, kéo dài

Cùng góp ý vào công tác thi hành án hành chính, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, tình hình giải quyết các vụ án hành chính gia tăng qua các năm, năm 2024 các tòa án đã thụ lý 13.009 vụ, tăng 847 vụ; xét xử 10.006 vụ đạt 76,92%, vượt 16,92% so với Nghị quyết Quốc hội giao. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, kết quả thi hành án xong đạt 45,41%, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng gia tăng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Tỷ lệ án bị hủy, bị sửa còn cao, án bị hủy 1,6%, án bị sửa 1,98%, chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao là không quá 1,5%. Đại biểu cho rằng, khi xét xử các vụ án hành chính, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thường có vị trí chính trị thấp hơn người bị kiện nên cũng là áp lực lớn về tâm lý, dễ dẫn đến phán quyết có thể gây thiệt thòi cho người dân và có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ án bị hủy, bị sửa còn cao.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực án hành chính này, không chỉ đơn thuần về mối quan hệ hành chính, dân sự bình thường mà đây còn là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, niềm tin của nhân dân với chính quyền, suy rộng ra là niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là nhân tố có thể gây mất ổn định từ cơ sở. Đại biểu nhấn mạnh, giải quyết tốt các vụ việc, vụ án hành chính cũng là để củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, do đó, rất cần được quan tâm đầy đủ và kịp thời.

Đồng thời, cần tổng kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình giải quyết các vụ việc, xét xử, thi hành án hành chính, từ đó có các giải pháp quyết liệt, tích cực tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài, dư luận xã hội, nhân dân bức xúc kiến nghị. Đặc biệt quan tâm vai trò quan trọng của việc hòa giải, đối thoại tại tòa án các cấp trong xử lý vụ việc. Do vậy, nhất thiết cần phải được xem xét nghiêm túc việc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật tồn đọng nhiều năm, kiên quyết khắc phục căn bệnh, tình trạng dây dưa, vắng mặt trong tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính và việc thiếu trách nhiệm trong thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước và xử lý nghiêm túc theo quy định về xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm

Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Lã Thanh Tân về đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để bảo đảm thể chế hóa một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Về câu hỏi tại sao số lượng án hành chính thi hành xong tăng cao mà số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, câu trả lời là do số lượng án hành chính tăng cao nhưng số lượng án thi hành xong chưa đạt yêu cầu. “Ví dụ, năm 2024 số lượng án phải thi hành là 1973 bản án, quyết định, về tỷ lệ tăng 73,7% so với năm 2023, trong số đó đã thi hành xong 896 bản án, quyết định, tăng về số tuyệt đối là 314 bản án, quyết định so với năm 2023 nhưng về tỷ lệ chỉ tăng 53,9%. Như vậy, so sánh về tỷ lệ thì số tăng thi hành án xong là 53,9%, nhỏ hơn gần 20% do với số tăng phải thi hành án là 73%”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ. Điều này lý giải vì sao số tuyệt đối số lượng án hành chính thi hành xong vẫn tăng cao so với năm trước nhưng số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng, chỉ khi tỷ lệ tăng số án thi hành giải quyết xong lớn hơn tỷ lệ tăng số án phải thi hành thì số án tồn đọng mới có thể có xu thế giảm. Đây cũng là vấn đề rất trăn trở đối với Bộ Tư pháp, là cơ quan có nhiệm vụ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính.

Về xử lý trách nhiệm, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ đổi mới cách làm, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp lâu nay đã triển khai, sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tập trung tổng kết và đề xuất sớm sửa Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan để khắc phục những hạn chế về mặt thể chế như đại biểu Hoàng Đức Thắng đã nêu; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức