VIỆT NAM ĐÓNG GÓP TRÁCH NHIỆM, THỰC CHẤT, ĐỂ LẠI DẤU ẤN ĐẬM NÉT TẠI ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA - 42

26/08/2021

Chiều 25/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã hoàn thành các hoạt động tham dự Đại hội đồng AIPA - 42. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, sự kiện đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Khóa XV đã thành công rất tốt đẹp...

 

Chiều 25/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã hoàn thành các hoạt động tham dự Đại hội đồng AIPA - 42. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, sự kiện đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Khóa XV đã thành công rất tốt đẹp.  Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả vào chương trình nghị sự, các vấn đề được đưa ra thảo luận tại các Ủy ban và góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng AIPA - 42, để lại dấu ấn đậm nét trong AIPA.

- Sau 3 ngày làm việc, Đại hội đồng AIPA - 42 đã bế mạc, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về hợp tác nghị viện khu vực trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025. Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đối với thành công của Đại hội đồng AIPA - 42?

- Đại hội đồng AIPA - 42 do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn tham dự và có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả vào chương trình nghị sự, các vấn đề được đưa ra thảo luận tại các Ủy ban, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng AIPA - 42.

Như chúng ta đã biết, lần này, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham gia Đại hội đồng với tư cách là một thành viên AIPA, sau khi chúng ta đã đảm nhận xuất sắc vai trò Chủ tịch AIPA - 41 trong năm 2020. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực và nhận thức sâu sắc về vai trò của nghị viện và hợp tác liên nghị viện khu vực trong việc giải quyết các vấn đề chung vì lợi ích của nhân dân ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt yêu cầu rất cao đối với việc chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại từng phiên họp cũng như các điều kiện bảo đảm kết nối thông suốt, an toàn cho các hoạt động của Đoàn Việt Nam.

- Theo ông, dấu ấn của Đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA - 42 được thể hiện như thế nào?

- Dấu ấn đậm nét nhất chính là thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi đến lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA tại phiên họp toàn thể. Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sự đồng lòng của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của AIPA để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng tiến lên phía trước, vì hạnh phúc của gần 650 triệu người dân ASEAN.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các Nghị viện thành viên AIPA trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19. Đây là cách thức mà Quốc hội Việt Nam đã áp dụng tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua khi ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ được chủ động thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, thậm chí chưa được luật quy định nếu thực sự cần thiết để phòng, chống dịch. Từ kinh nghiệm của Việt Nam và những yêu cầu cấp bách đặt ra trong phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vaccine, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Một điểm nhấn quan trọng trong thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhận được sự đồng thuận của các đoàn tham dự là: “Mọi nỗ lực phục hồi và phát triển của các quốc gia sẽ không thể thiếu điều kiện tiên quyết là môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và ổn định bền vững ở khu vực”. Nghị viện các nước thành viên AIPA phải tích cực đồng hành với Chính phủ các nước ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các nguy cơ gây bất ổn, qua đó, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở khu vực, trong đó có Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện DOC và sớm đàm phán để ký kết COC.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất 5 vấn đề nhằm phát huy vai trò quan trọng của AIPA và các nghị viện thành viên trong việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN sau đại dịch Covid-19, tiếp tục là hạt nhân đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã phản ánh đúng, trúng các yêu cầu, đòi hỏi cấp bách đang đặt ra hiện nay ở mỗi nước cũng như cả khu vực ASEAN về chuyển đổi số, tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách về số, bảo đảm bình đẳng số trong khu vực, đổi mới mô hình phát triển, thúc đẩy các nguồn lực tham gia phát triển hạ tầng số hiện đại và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, tạo lập niềm tin số… xem đây là đòn bẩy để sớm vượt qua đại dịch Covid-19 và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng bền vững.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà tham dự phiên khai mạc

- Từ thông điệp của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA - 42, có thể thấy rằng, Đoàn Việt Nam đã tiếp tục cụ thể hóa thành các đề xuất đóng góp cho các dự thảo Nghị quyết được xem xét tại Hội nghị Nữ nghị sĩ, Phiên họp các Ủy ban Chính trị, Xã hội, Kinh tế, Tổ chức, thưa ông?

- Tại Đại hội đồng AIPA - 42, chúng ta không đề xuất hay bảo trợ dự thảo Nghị quyết nào nhưng theo dõi các phiên họp của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tổ chức sẽ thấy, Đoàn Việt Nam đã tham gia rất sâu vào các dự thảo Nghị quyết, đề xuất nhiều vấn đề rất cụ thể và được các nghị viện thành viên đồng thuận, thống nhất đưa vào Nghị quyết. Tất cả các đề xuất này đều thể hiện nhất quán quan điểm của Việt Nam đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể.

Đơn cử như tại Hội nghị Nữ nghị sĩ, Đoàn Việt Nam ủng hộ thông qua dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm”. Đồng thời, nêu thêm các đề xuất quan trọng như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách của quốc gia và khu vực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm; xây dựng cơ chế phối hợp, tạo liên kết khu vực để hỗ trợ phụ nữ có việc làm, tạo sinh kế, tham gia thị trường lao động thông qua môi trường kỹ thuật số; tiếp tục quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về tài chính để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ nghèo, mất việc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có cơ hội tiếp cận việc làm và phát triển sinh kế… Các nội dung này đã cụ thể hóa quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về việc các nghị viện phải tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số…

Hay tại Ủy ban Kinh tế, chúng ta đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN” - cụ thể hóa cam kết về ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN đã được Chủ tịch Quốc hội khẳng định tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA - 42.

- Đại hội đồng AIPA - 42 cũng tiếp tục xem xét nhiều nội dung đã được Quốc hội Việt Nam khởi xướng và đặt nền móng từ Đại hội đồng AIPA - 41, thưa ông?

- Đúng vậy. Đại hội đồng AIPA - 41 do Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức là đại hội đồng đầu tiên trong lịch sử của AIPA được tiến hành theo hình thức trực tuyến và từ đây đã tạo ra một kênh làm việc linh hoạt, chủ động của AIPA trước những thách thức của đại dịch.

Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, Chủ tịch AIPA - 42 Pehin Dato Abdul Rahman Taib trong phát biểu khai mạc Đại hội đồng AIPA - 42 dành lời cảm ơn sâu sắc đối với Quốc hội Việt Nam vì đã tổ chức rất thành công Đại hội đồng AIPA - 41 theo hình thức trực tuyến. Ông Pehin Dato Abdul Rahman Taib cho rằng, chính vì thành công của Việt Nam đã “mở đường” cho Brunei cũng tổ chức Đại hội đồng AIPA - 42 bằng hình thức trực tuyến. Tiếp nối kinh nghiệm của Việt Nam, Đại hội đồng AIPA - 42 cũng có nhiều đổi mới, chương trình nghị sự ngắn gọn hơn, đi vào thảo luận thực chất hơn ở các phiên họp cấp ủy ban.

Trong chương trình nghị sự, Đại hội đồng AIPA - 42 cũng đã xem xét, thông qua Quy chế hoạt động của Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, chính thức thành lập cơ chế hội nghị Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA. Đây là kết quả từ sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 nhằm góp phần thúc đẩy sự tham gia của các nghị sĩ trẻ trong hoạt động của AIPA cũng như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

- Theo ông, những quyết nghị được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 42 đặt ra những yêu cầu như thế nào đối với Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới?

- Tại Đại hội đồng AIPA - 42, các nghị viện thành viên AIPA đã thảo luận, thông qua 25 Nghị quyết quan trọng; khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc ủng hộ, hỗ trợ và thúc đẩy xây dựng Kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của ASEAN đến năm 2025, tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định: “Hạ tầng số hiện đại cùng với niềm tin số sẽ tạo ra một không gian mới rộng mở cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN”. Như vậy, để thúc đẩy Kế hoạch tổng thể này, ASEAN cần ban hành các dự luật mới nhằm giải quyết các thách thức về an ninh xuyên biên giới và phát triển khu vực thành một khối kinh tế kĩ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng.

Nghị viện các nước thành viên AIPA đều phải có trách nhiệm nghiên cứu, triển khai thực thi các Nghị quyết đã được AIPA thông qua để bảo đảm các quyết nghị này đi vào cuộc sống, hỗ trợ, thúc đẩy hành động của Chính phủ các nước để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Quốc hội Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai thực thi nghiêm túc các nghị quyết của AIPA.

Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực an ninh mạng, tạo lập niềm tin số, với quyết tâm chính trị rất lớn, chúng ta đã sớm hoàn thiện khung pháp lý về an ninh mạng khi thông qua Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, chúng ta có thuận lợi là đã có nền tảng pháp lý tương đối đầy đủ trong lĩnh vực này.

Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật liên quan nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, tích cực thúc đẩy và ủng hộ Chính phủ triển khai các chương trình, kế hoạch và chiến lược số trong ASEAN, tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số, góp phần đưa Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách hiện nay và mở ra các không gian mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác