TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: NĂM 2022 – GHÁNH TRÊN VAI 10 NHÓM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

31/01/2022

Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 trong năm qua đã tác động tiêu cực sâu rộng đến mọi lĩnh vực, mọi hoạt động chung của xã hội… nhưng bằng sự nỗ lực của cá nhân, tập thể, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội…

 

Đại dịch COVID-19 trong năm qua đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch công tác của các cơ quan, tổ chức, trong đó có hoạt động của các cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương, cơ quan Văn phòng Quốc hội. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cơ quan thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, đoàn kết, thống nhất, đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, triển khai hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường về những kết quả, thành tích đạt được của Văn phòng Quốc hội trong năm 2021, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt như thế nào? Với bối cảnh đó, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết tâm tổ chức thành công “ngày hội non sông” ra sao?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hội Bùi Văn Cường:Trước tiên, tôi phải một lần nữa nhắc lại rằng tất cả chúng ta đã trải qua một năm 2021 đầy khó khăn thử thách, cam go chưa từng có do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã quyết tâm tổ chức được thành công Cuộc bầu cử và thành công đó đến nay đã được kiểm chứng trong thực tiễn qua gần một năm hoạt động sôi động, trí tuệ, trách nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điều đó, càng khẳng định đường lối và sự lựa chọn nhân sự đúng đắn của Đảng, của Cử tri cả nước. Thành công lớn nhất của cuộc bầu cử là bầu ra được cơ quan dân cử, cơ quan dân cử cao nhất là Quốc hội và ở địa phương là Hội đồng nhân dân.

Cơ quan dân cử với đặc trưng là hoạt động tập thể, do đó đại dịch đã tác động một cách trực tiếp nhất đến phương thức hoạt động của Quốc hội. Trong bối cảnh đó, Quốc hội vẫn liên tục hoạt động, đổi mới không ngừng, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, trong những bối cảnh đặc biệt đã kịp thời có những quyết sách đặc biệt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển, tất cả vì lợi ích Nhân dân. Điểm lại những kết quả nổi bật như Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hay Nghị quyết số 30/2021/QH15…Các Nghị quyết này của Quốc hội được đánh giá là là điểm tựa vững chắc cho cuộc chiến chống COVID-19, để đến nay chúng ta đã chuyển được sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả của dịch COVID-19”.

Điểm lại những nội dung trên để có thể thấy, năm 2021 chúng ta đã khó khăn như thế nào và đã cố gắng vượt qua như thế nào và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận. Có được một Quốc hội để lại dấu ấn như vừa qua là nhờ có sự thành công của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Qua tổng kết, chúng ta đã khẳng định Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp và thành công của cuộc bầu cử đã thực sự đã được thực tiễn chứng minh.

Nhìn lại bối cảnh của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy đây là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, cụ thể như sau: 

Thứ nhất, Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh- quốc phòng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào tháng 01/2021 đã thành công rất tốt đẹp đồng thời đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu đưa nghị quyết của Đại hội Đảng vào cuộc sống, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa thật sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ hai, Cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách chưa từng có khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trên khắp thế giới với biến chủng Delta, và Việt Nam không phải là ngoại lệ, đòi hỏi chúng ta vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. Đến Ngày bầu cử, đại dịch Covid-19 đã lây lan nhanh trên địa bàn ở 30 tỉnh, thành phố, gây tác động rất nặng nề về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều nơi phải thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành 10 văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các nội dung như hướng dẫn rà soát, cập nhật danh sách cử tri đang thực hiện cách ly; việc giảm số lượng và đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh; phương án tổ chức bỏ phiếu tại cơ sở cách ly, địa phương có dịch bệnh; việc bố trí, sắp xếp để cử tri đi bầu cử theo giờ; việc bổ sung hòm phiếu phụ, khắc thêm con dấu “Đã bỏ phiếu” để phục vụ việc bỏ phiếu của các cử tri đang cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở cách ly y tế tập trung,…

Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện bầu cử ở các địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 03 đợt kiểm tra, giám sát trực tiếp tại 53 tỉnh, thành phố do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ủy ban thường vụ Quốc hội là thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia làm trưởng đoàn, nắm bắt tình hình cơ sở, chỉ đạo những nhiệm vụ cần phải tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các địa phương còn lại thực hiện báo cáo gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Phải chia sẻ thêm rằng, áp lực đối với các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia là rất lớn. Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thường trực câu hỏi đặt ra đối với Hội đồng bầu cử quốc gia là có tổ chức được bầu cử không và liệu tổ chức được có thành công không? Có những ngày, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, lãnh đạo các tiểu ban, lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan đã họp bàn cả ngoài giờ hành chính, thậm chí xuyên đêm, để bàn về giải pháp, lên phương án tổ chức bầu cử bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Nhiều ngày liền Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia không ngừng sáng đèn.

Với ý thức trách nhiệm cao và tinh thần chủ động, sáng tạo, Hội đồng bầu cử quốc gia và Hội đồng bầu cử các cấp đã hoàn thành tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đối với các địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm kịp thời, chi tiết, cụ thể, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế của địa phương qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho địa phương trong tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân và cử tri cả nước, Cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp, trở thành Cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu. Ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự là sự kiện chính trị quan trọng của dân tộc, Ngày hội lớn của toàn dân.

Phóng viên: Trong năm qua, việc tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, thứ hai và kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV có ý nghĩa như thế nào, thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hội Bùi Văn Cường: Trong năm 2021 và những ngày đầu tiên của năm 2022, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 03 kỳ họp có ý nghĩa quan trọng và khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ 5 năm.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng, quy định của pháp luật và đạt sự đồng thuận rất cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước; xem xét, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến “quốc kế - dân sinh”, trong đó quyết định tổng thể các kế hoạch, chương trình kinh tế- xã hội trung hạn 5 năm tới, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Điều đó đã thể hiện quyết tâm đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 – được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, trao quyền cho UBTVQH, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Quyết sách này của Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành của Quốc hội với cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại kỳ họp thứ hai, là kỳ họp cuối năm quyết định nhiều vấn đề quan trọng cần nhiều thời gian thảo luận, nhưng Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan vào cuộc từ sớm, từ xa để chuẩn bị kỹ lượng nội dung, nghiên cứu, đề xuất và áp dụng nhiều cải tiến, đổi mới tổ chức kỳ họp đã rút ngắn được hơn 10 ngày làm việc theo thông lệ, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Hoạt động thảo luận tại tổ và hội trường có số lượng ý kiến phát biểu lớn nhất từ trước tới nay: đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 08 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại các phiên họp toàn thể tại hội trường.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành một số đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thử nghiệm biểu quyết điện tử; khi thảo luận tổ tại địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội; tổng hợp nhanh và giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tổ…Những thay đổi này đã góp phần thiết thực vào kết quả chung của kỳ họp, cho thấy hiệu quả, chất lượng của đổi mới. Thực tiễn diễn biến của kỳ họp này cũng cho thấy sự chủ động, linh hoạt của Quốc hội, khi quyết định để Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tham dự họp trực tuyến do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vào thời điểm đó.

Với Kỳ họp bất thường, trên cơ sở có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, theo đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng nhanh với những thay đổi của thực tiễn cuộc sống và đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước. Quyết định này càng thể hiện rõ sự chủ động, năng động, quyết liệt, đổi mới của Quốc hội; đồng thời là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt hơn, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là vì lợi ích của Nhân dân, dân tộc, phục vụ sự phát triển của đất nước.

Qua 3 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã cho thấy tinh thần của Quốc hội năm qua là “bối cảnh đặc biệt đòi hỏi có những quyết đáp đặc biệt”. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội đã để dấu ấn của sự đổi mới, khẳng định sự chủ động, trách nhiệm của Quốc hội trong việc tạo lập cơ sở pháp lý, thể chế hoá Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của đất nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Không chỉ vậy, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới tích cực, hoạt động không kể ngày đêm, ngày nghỉ, đồng hành cùng đất nước, hỗ trợ Chính phủ, góp phần quan trọng vào kết quả chung của Quốc hội trong năm qua.

Phóng viên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng. Điều này đã mang lại hiệu quả ra sao với sự phát triển của đất nước, thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Quốc hội khóa XV được bầu ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt của năm 2021, Quốc hội đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm, đồng hành cùng cùng đất nước, hỗ trợ Chính phủ và hệ thống chính trị vượt qua đại dịch COVID-19. Với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, trách nhiệm, áp lực công việc là rất lớn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội càng phải thể hiện tính tiên phong, đi đầu, chủ động, vừa dẫn dắt, vừa điều hòa hoạt động của các cơ quan trong Quốc hội và với các cơ quan bên ngoài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực sự truyền tải được thông điệp của Quốc hội khóa XV, thực hiện đúng thẩm quyền được Quốc hội giao cho, nhất là trong quyết định các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong thời gian Quốc hội không họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số phiên họp bất thường để kịp thời ban hành hàng loạt các quyết sách đặc biệt với những nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19. Nhiều nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành làm cơ sở cho Chính phủ triển khai kịp thời các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội. Đó là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động là quyết sách lịch sử lần đầu tiên được quyết định, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19… và mới đây là Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 về cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần quan trọng bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Những quyết định nhanh và kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, đó là "đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ để trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta hỗ trợ được nhanh nhất, kịp thời nhất và có hiệu quả nhất đối với sự khó khăn mà doanh nghiệp người dân đã và đang phải trải qua". Hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đến từ hiệu quả của đổi mới hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều trên tinh thần tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật và trên hết là thấu hiểu mong muốn và nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.

Phóng viên: Trong năm 2022, Văn phòng Quốc hội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hội Bùi Văn Cường: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, năm 2022 Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác; kiện toàn, bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ giúp việc; tăng cường tính chuyên nghiệp, khoa học, công tác phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo đó, Văn phòng Quốc hội sẽ tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; ý kiến kết luận tại các cuộc giao ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội hằng tháng; tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hoàn thiện chuyên đề (số 9) để báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung, đề án do Văn phòng chủ trì thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội.

Thứ hai, tham mưu, phục vụ tổ chức thành công các kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2022), kỳ họp bất thường và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu, phục vụ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và dự kiến Chương trình năm 2023 cũng như các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Tham mưu, phục vụ việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước; việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc sắp xếp đơn vị hành chính; công tác nhân sự, tổ chức bộ máy và một số vấn đề quan trọng khác.

Thứ tư, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại các Bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở; làm việc với các cơ quan hữu quan, công tác nước ngoài và các hoạt động thường xuyên khác.

Thứ năm, tham mưu, phục vụ triển khai chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và hài hòa với hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong đó, sớm kiện toàn nhân sự, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Thư ký.

Thứ sáu, phối hợp tham mưu, phục vụ công tác dân nguyện; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và công tác Hội đồng nhân dân.

Thứ bảy, rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, quản trị nội bộ đảm bảo quy trình hóa, tiêu chuẩn hóa, cụ thể hóa mọi hoạt động của Văn phòng Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ quan Văn phòng Quốc hội và đội ngũ tham mưu phục vụ năng động, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ tám, tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập phương thức làm việc trên môi trường mạng; sớm xây dựng Văn phòng Quốc hội điện tử song song với quá trình tham mưu, phục vụ xây dựng Quốc hội điện tử để đáp ứng yêu công việc và phù hợp với xu thế.

Thứ chín, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội; tham mưu phục vụ lãnh đạo Quốc hội theo dõi, đôn đốc mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Thứ mười, tập trung triển khai thực hiện Đề án về số lượng biên chế của Văn phòng Quốc hội; sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội; tiếp tục quan tâm, chăm lo, có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng. Phối hợp thực hiện công tác khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội! Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, kính chúc Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sức khoẻ dồi dào, dẫn dắt Văn phòng Quốc hội  vượt qua những khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Hoàng Hương

Các bài viết khác