ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE TRÌNH BÀY TỜ TRÌNH VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XIV

13/07/2018

Chiều 13/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung sau: Công tác lập pháp có thời gian là 10,25 ngày, trong đó xem xét, thông qua 11 dự án luật 5,75 ngày; cho ý kiến 6 dự án luật 4,5 ngày

Cũng theo Tờ trình, các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác có thời gian là 9,5 ngày, cụ thể: xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; xem xét các báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có); khai mạc, bế mạc, thông qua một số nghị quyết khác. Như vậy, theo Tờ trình, dự kiến Quốc hội làm việc 20,75 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22-10-2018 (do ngày 20-10 là ngày thứ bảy) và bế mạc vào ngày 19-11-2018.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình

Tờ trình cũng nêu rõ một số vấn đề cần quan tâm đối với kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, đối với các đề án và nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Về xem xét báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác hằng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế, báo cáo thường được gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu để kết hợp thảo luận. Mặc dù kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng nhưng vẫn nên dành thời gian thảo luận báo cáo công tác của cơ quan thường trực của Quốc hội tại thời điểm giữa nhiệm kỳ. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Tờ trình cho biết, căn cứ tình hình thực tế từ nay đến cuối năm và trên cơ sở xem xét kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc báo cáo Quốc hội cho thảo luận nội dung này; đề nghị trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc ngay sau Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm sự hợp lý vì hai nội dung này có liên quan mật thiết với nhau.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp

Trên cơ sở Dự kiến chương trình, Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9-2018 để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)... trước khi trình Quốc hội; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chủ động đề xuất về việc tiếp tục cải tiến công tác chuẩn bị và cách thức tiến hành kỳ họp để nâng cao hơn nữa hiệu quả xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp.

Thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của Tờ trình. Tuy nhiên một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên sắp xếp việc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri liền nhau trong phiên khai mạc; xem việc về thời lượng kỳ hợp thứ 6, có thể dự kiến dài hơn 20,75 ngày để dự phòng các nội dung phát sinh…

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự kiến nội dung, thời gian của kỳ họp và thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm để chủ động chuẩn bị./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh