TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI - CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI NGUYỄN HẠNH PHÚC CHỦ TRÌ HỌP BÁO DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

17/05/2019

Chiều ngày 17/5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Tham dự họp báo còn có Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Ngoại giao cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

60% thời gian kỳ họp dành cho công tác lập pháp

Thông báo tóm tắt về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật với 12 ngày làm việc, chiếm gần 60% tổng thời gian của kỳ họp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án luật, 02 nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Quốc hội cho ý kiến đối với 09 dự án luật gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.  Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội bằng hình ảnh, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng tóm tắt về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội

Về một số nội dung cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tiếp tục chủ trương cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội, tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội lần đầu tiên triển khai việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho đại biểu Quốc hội. Theo đó, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận tài liệu, các thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí…ngay trên các thiết bị thông minh cầm tay. Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, điều này sẽ góp phần chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất đến các đại biểu Quốc hội, giảm việc sử dụng các văn bản giấy trong hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuân tiện hơn nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp về một số vấn đề phóng viên quan tâm tại cuộc họp báo

Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề này, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành thí điểm sử dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc cung cấp tài liệu, tra cứu thông tin, văn bản. Đặc biệt hỗ trợ đại biểu trong công tác lập pháp như đưa ra thông tin nghiên cứu, với thống kê và giới thiệu pháp luật quốc tế, so sánh với pháp luật Việt Nam; tra cứu lịch sử các kỳ họp trước thảo luận những gì; tổng hợp ý kiến cử tri và giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Đặc biệt với việc dễ dàng truy cập qua điện thoại, các đại biểu Quốc hội có thể trao đổi với nhau và đề nghị được cung cấp tài liệu tức thì.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, phần mềm này không chỉ hỗ trợ đại biểu tại kỳ họp mà cả khi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên đây mới chỉ ở giai đoạn thí điểm và sau kỳ họp, Văn phòng Quốc hội sẽ có tổng hợp đánh giá, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để có nghiên cứu, điều chỉnh phần mềm trở nên hữu ích hơn nữa.

Ngoài ra tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi trao đổi thêm một số vấn đề phóng viên quan tâm như: chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, việc xem xét phê chuẩn Công ước số 98 của ILO, bảo đảm sự thống nhất của pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc chuẩn bị nội dung chất vấn tại kỳ họp…

Nhấn mạnh thời gian của kỳ họp không dài, với nhiều nội dung được thảo luận và thông qua, đặt nhiều áp lực trong công tác chuẩn bị của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ mong muốn các phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tích cực phối hợp với Văn phòng Quốc hội trong việc thông tin một cách chính xác, kịp thời hoạt động của Quốc hội tới đông đảo cử tri, dân cả nước và phản ánh ý kiến cử tri đến với diễn đàn Quốc hội./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh