PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỤC KẾT TỘI Ở VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp. Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ: “Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”. Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, nhận diện các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra.
Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu lập pháp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hiện nay, trên thế giới, bên cạnh phương thức thu hồi tài sản tham nhũng phổ biến nhất là thông qua hình thức kết tội thì nhiều quốc gia cũng đã chú trọng tới phương thức thu hồi tài sản không qua thủ tục này. Đây cũng là yêu cầu mà Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC) đã đặt ra đối với các quốc gia thành viên.
Ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, có thể thấy rằng, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong công tác phòng chống tham nhũng đã được nâng lên rõ rệt; pháp luật Việt Nam đã có những quy định về các biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì vẫn còn nhiều bất cập.
Vì vậy, trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn đang đặt ra, Ban Bí thư đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021; Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021, trong đó đặt ra yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
Nhấn mạnh ý nghĩa, mục tiêu của Đề tài, Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương đề nghị, các chuyên gia tập trung góp ý sâu sắc, toàn diện, khách quan vào chủ đề của Hội thảo để Ban Chủ nhiệm Đề tài có thêm thông tin khoa học quy báo cho việc xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu.
Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật
Cho ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, công tác thu hồi tài sản, đặc biệt là thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, số tiền, tài sản thu hồi cao hơn so với nhiều năm trước đây. Mặc dù vậy, tỷ lệ thu hồi trên tổng số tiền, tài sản phải thu hồi vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đặc biệt là nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật.
TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kể cả Luật phòng chống tham nhũng, các luật, bộ luật chuyên ngành như hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thanh tra, kiểm toán, thi hành án dân sự, phòng chống rửa tiền, các tổ chức tín dụng, tương trợ tư pháp… và những quy định của Công ước của liên hợp quốc về chống tham nhũng không quy định trực tiếp về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội mà vấn đề này thường được quy định chung, khái quát trong các chế định, quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản do tham nhũng mà có hoặc tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Quyền, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thiếu nhiều chế định, quy định cơ bản bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện trên thực tế; chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, quan điểm củ Đảng về vấn đề này.
TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp
Phân tích một số bất cập, hạn chế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự, TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã quy định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngay cả khi người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án thì việc thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vẫn được thực hiện qua cơ chế xử lý vật chứng.
Tuy nhiên, để dựa vào cơ chế này để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong các vụ án hình sự, đặc biệt là trong các vụ án hình sự và kinh tế, tham nhũng bộc lộ vướng mắc như: Bất cập tại quy định về các biện pháp cưỡng chế; Chưa có quy định về việc thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc vụ án đã được khởi tố nhưng đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; Chưa có quy định về việc thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án;…
Hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội
Nêu quan điểm hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên và Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội cũng phải bảo đảm không dẫn đến việc cản trở sự gia tăng thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức, để từ đó tạo động lực phục vụ các hoạt động công vụ được tốt hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các nội dung cụ thể về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được thể hiện trong các nghị quyết, kết luận của Đảng Cộng sản Việt Nam; đảm bảo phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm đồng bộ, dễ theo đõi và thuận tiện trong áp dụng;…
Cũng tại hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra nhiều góc tiếp cận, quan điểm liên quan đến sự tương thích của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội của Việt Nam với pháp luật quốc tế; pháp luật quốc tế và pháp luật một số nước về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội;…
TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Nam Hải – Chủ nhiệm Đề tài cho biết, nội dung tham luận, thảo luận tại hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực trong quá trình Ban Chủ nhiệm hoàn thiện Đề tài nghiên cứu. Phân tích làm rõ hơn một số nội dung trọng tâm được nêu, TS. Hoàng Nam Hải cho rằng, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội hiện nay còn nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau, nhiều quy định mới mang tính nguyên tắc chung mà thiếu các quy định cụ thể cho việc triển khai thực hiện và còn thiếu nhiều chế định, quy định cơ bản cho việc thực hiện trên thực tế, nhất là các quy định về hình thức và biện pháp thu hồi, về quy định cơ quan có thẩm quyền thu hồi loại tài sản này;… Do đó,việc hoàn thiện pháp luật về nội dung này là vô cùng cần thiết.
Về giải pháp hoàn thiện, ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, TS. Hoàng Nam Hải nêu rõ, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ quan điểm cơ bản nhằm bảo đảm tính đồng bộ, dễ áp dụng, bảo đảm ngưn chặn việc lạm dụng, lợi dụng pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội làm ảnh hưởng đến sự gia tăng thu nhập một cách hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo pháp luật quốc tế để đề xuất những kiến nghị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Cho rằng đây là Đề tài khó, có giá trị lý luận cũng như thực tiễn cao, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh Hội thảo
Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương và TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo
TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp
Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Chuyên gia tham dự Hội thảo
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo./.