GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

06/09/2018

Sáng 06/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam – lý luận và thực tiễn”. Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, các chuyên gia nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học pháp lý, các nhà quản lý, đại diện các viện trường, cơ quan tổ chức hữu quan cùng cán bộ, chuyên viên của Viện nghiên cứu lập pháp và Văn phòng Quốc hội.

Hội thảo là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giá trị pháp lý và những yếu tố bảo đảm thi hành kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam”.

 Hội thảo “Giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam – lý luận và thực tiễn”

Phát biểu khai mạc hội thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Thời gian qua, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác, hoạt động giám sát của Quốc hội bước đầu đã phát huy vị trí vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ công vụ, góp phần giúp Quốc hội xem xét tính khả thi của các chính sách, các văn bản pháp luật, những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn để từ đó hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Trên thực tế, việc thực hiện giám sát và các kết luận giám sát của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua giám sát và kết luận giám sát đưa ra được những kiến nghị đóng góp vào hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; góp phần tháo gỡ khó khăn trong chính sách, quản lý điều hành kinh tế xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật giám sát và thực hiện kết luận giám sát cũng bộc lộ một số hạn chế bất cập như một số quy định về nội dung, hình thức kết luận giám sát chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để bảo đảm thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; phạm vi giám sát của Quốc hội còn rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát nhưng lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát, từng kết luận giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát với nhau. Một số hình thức giám sát rất ít được thực hiện trên thực tế hoặc thực hiện nhưng hiệu quả không cao như quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; quy định Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định để bảo đảm tính khả thi, chính xác của các kết luận giám sát. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, chưa mang lại hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, chưa có biện pháp hữu hiệu theo dõi việc kiểm tra thực tế việc thực hiện kết luận sau giám sát. Một số điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát như cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy giúp việc chuyên gia… chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt đông giám sát.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến phát biểu tại hội thảo

Cùng với đó, giá trị pháp lý của các hình thức kết luận giám sát chưa được quy định một cách cụ thể, chi tiết gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận giám sát; chưa quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý khi các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận giám sát của Quốc hội.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, hoạt động giám sát không chỉ tính đến kết quả có bao nhiêu nội dung được giám sát, bao nhiêu hình thức giám sát được thực hiện mà phải tính đến việc thực hiện các hình thức giám sát một cách khoa học và có hiệu quả; quy trình thủ tục giám sát bảo đảm tính khách quan, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Quan trọng hơn hết là việc thực hiện các kết luận giám sát đó như thế nào và các yếu tố bảo đảm việc thi hành kết luận giám sát của Quốc hội được thực hiện ra sao.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cũng chia sẻ, từ kinh nghiệm hai nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội cũng như công tác thực tiễn tại Quốc hội trong suốt thời gian qua, qua rà soát tổng kết hoạt động của Quốc hội cho thấy từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8 đến nay, chưa bao giờ hoạt động giám sát được Quốc hội đánh giá cao, hiệu lực hiệu quả thấp. Một trong những nguyên nhân là do việc thực thi kết luận giám sát ở các cấp độ khác nhau chưa tốt.

Mặc dù Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành nhưng để vận hành tất cả các phương thức giám sát mà luật quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát như thế nào thì luật cũng mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, mang tính định tính. Cơ chế vận hành và bảo đảm thực hiện cho quy định được thực hiện trong cuộc sống gần như không có như về bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, giải trình, điều trần, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; các phương thức giám sát cũng được quy định một cách rời rạc, thiếu liên kết. Vì vậy rất cần có nghiên cứu đánh giá về vấn đề này để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu lực thi hành của luật nói chung và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng trên thực tế.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Trần Văn Tám trình bày tham luận về khái niệm, đặc điểm, nội dung, vai trò của kết luận giám sát

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và thảo luận về các nội dung khái niệm, đặc điểm, nội dung, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng đến kết luận giám sát của Quốc hội; điều kiện cần và đủ để ra kết luận giám sát của Quốc hội; giá trị pháp lý của kết luận giám sát; một số vấn đề về trách nhiệm pháp lý trong việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của kết luận giám sát, yếu tố tác động đến việc bảo đảm thi hành báo cáo giám sát…

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho hay, trên cơ sở ý kiến trao đổi tại hội thảo, Ban chủ nhiệm để tài nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện các nội dung của đề tài nghiên cứu bảo đảm tính khách quan, khoa học, hợp lý, hiệu quả của kết quả nghiên cứu./.

Bảo Yến