Toàn cảnh Phiên họp thứ 2 Ban soạn thảo sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu cho biết, thực hiện Nghị quyết số 989 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Kế hoạch số 581 về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 -2021, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch biên soạn, xuất bản sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XI.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, việc biên soạn, xuất bản cuốn sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV là cần thiết nhằm tổng kết đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những thành tựu đã đạt được, những kết quả đổi mới, những dấu ấn nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Việc biên soạn cuốn sách này là hoạt động tổng kết mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về Quốc hội khóa XIV, có tính khoa học cao. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với việc biên soạn phải: Bám sát thực tiễn, phản ánh đúng mức, khách quan, khái quát các sự kiện quan trọng, nổi bật, dấu ấn, đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XIV; Đánh giá sâu sắc, đầy đủ, toàn diện các thành tựu và một số vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV trên các phương diện: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phương thức hoạt động của Quốc hội; những kinh nghiệm rút ra;...
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu chủ trì Phiên họp
Báo cáo về tiến độ biên soạn sách, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, các cơ quan đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 273 của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai biên soạn còn một số vướng mắc như: đa số các cơ quan, đơn vị gửi Báo cáo, Chuyên đề chậm so với tiến độ đề ra; một số báo cáo, chuyên đề mới tập trung vào số liệu, sự kiện; một số nội dung còn trùng lặp;...
Tại cuộc họp, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã thảo luận về kết cấu, bố cục; những nội dung cơ bản của cuốn sách; tiến độ và kinh phí thực hiện.... cũng như thống nhất về cách thức thể hiện để đảm bảo việc biên soạn có tính tổng kết, khoa học, lý luận và thực tiễn; cô đọng, dễ tiếp cận; đảm bảo các quy định về bảo mật.
Đa số ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Viện Nghiên cứu lập pháp trong việc khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy và đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ việc ban hành cuốn sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV.
Cho ý kiến kết cấu của cuốn sách, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải xách định rõ trọng tâm của cuốn sách và đề nghị trọng tâm phải là phần 1 tức là phần Tổng quan về Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, phải cân đối lại dung lượng thể hiện giữa hai phần cho phù hợp. Trong đó, phần 1 của cuốn sách cần phải thể hiện dày dặn với dung lượng nhiều hơn phần 2. PGS.TS Lê Minh Thông cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội phải đi đến cùng sản phẩm, cùng với ý kiến của Ban biên tập để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung như đã phân công.
Một số ý kiến khác đề nghị, cần tiếp tục bám sát đề cương đã đưa ra đồng thời Ban biên tập căn cứ vào sản phẩm của các đơn vị cần rà soát kỹ lưỡng từ đó đưa ra hướng dẫn chi tiết để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu tổng quan của cuốn sách.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ban soạn thảo cũng như Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai biên soạn sách. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bám sát đề cương; nội dung thể hiện phải phản ánh đúng mức, khách quan, khái quát các sự kiện quan trọng, nổi bật, dấu ấn, đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XIV; cách thức vừa có tính chất tổng kết thực tiễn và đảm bảo tính hàn lâm. Để cuốn sách được ban hành với chất lượng cao nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình biên soạn.
Dự kiến, thời gian xuất bản cuốn sách vào tháng 01/2021; thời gian phát hành vào kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV./.