ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU PHỤC VỤ QUỐC HỘI

18/07/2022

"Chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu phục vụ Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Viện Nghiên cứu lập pháp xác định trong công tác 6 tháng cuối năm 2022 tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 vào sáng 18/7 tại Hà Nội.

 

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hương, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, hội nghị có sự tham dự của TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hương, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và Báo cáo công khai tài chính 06 tháng đầu năm 2020. Qua thảo luận, đa số ý kiến bày tỏ nhất trí cao với nội dung cơ bản đã được nêu tại Dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần phân tích rõ hơn những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế. Từ đó, làm cơ sở để xác định cụ thể giải pháp khắc phục, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, đặc biệt là chú trọng, tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu phục vụ Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH.

Chủ động đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả hoạt động

Trên cơ sở quy định của Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội và các kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH và VPQH, Viện NCLP đã chủ động đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả hoạt động, đạt được những kết quả tích cực.

Công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu để tham mưu, phục vụ quá trình đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu giúp việc của Quốc hội, UBTVQH được thực hiện một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm; tham gia xây dựng nhiều Đề án theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội; chủ động nghiên cứu, phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, xây dựng văn bản góp ý, chuyên đề nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra, cho ý kiến về các Dự án luật, dự thảo Nghị quyết và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Quốc hội; phối hợp với các đơn vị chức năng của VPQH tổ chức công tác thông tin khoa học lập pháp, công khai các kết quả nghiên cứu trên website và mạng nội bộ. Hoạt động biên tập và xuất bản của Tạp chí NCLP theo đúng kế hoạch năm, bảo đảm chất lượng, củng cố vị thế, uy tín của Tạp chí. Đổi mới, nâng cao năng lực công tác giúp UBTVQH quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học của UBTVQH. Triển khai bước đầu có kết quả công tác huy động, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ...

Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp Phạm Thị Tâm

Chú trọng, tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn một số quy định theo tinh thần của Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 chưa được thực hiện hoặc triển khai chưa được hiệu quả. Do đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 và thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của 6 tháng cuối năm 2022, Viện NCLP xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu phục vụ Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH: Chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức (Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư, các cơ sở đào tạo luật, các tổ chức tư vấn pháp luật uy tín…), các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm để thực hiện nghiên cứu chuyên đề phục vụ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội và UBTVQH cho ý kiến và thông qua trong 6 tháng cuối năm 2022. Cụ thể là:

(1) Tiếp tục theo dõi, phục vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH xem xét thông qua các dự án Luật tại Kỳ họp thứ tư (bao gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Dân chủ cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện. Sẵn sàng tổ chức các toạ đàm khoa học chuyên sâu về từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề lý luận, thực tiễn còn nhiều ý kiến khác nhau khi có yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội.

(2) Khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo, toạ đàm chuyên gia đối với các luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật hợp tác xã (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật phòng thủ dân sự....). Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) được coi là luật khó, phức tạp và quan trọng bậc nhất. Viện NCLP dự kiến sẽ tham mưu Hội đồng khoa học của UBTVQH và phối hợp với các tổ chức, cơ sở nghiên cứu như Hội Luật gia Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu luật, các hiệp hội liên quan tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu liên quan đến các chính sách lớn được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao, như: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các vấn đề về tài chính liên quan đến xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các vấn đề về đất đai liên quan đến nông, lâm trường…

(3) Triển khai linh hoạt các hình thức tổ chức hội thảo, tọa đàm phục vụ Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến, thông qua các dự án luật; chủ trì tổ chức các hội thảo, tọa đàm nằm trong chương trình nghiên cứu của các NVKH đã được phê duyệt trong năm 2022; chuyển hóa kết quả hội thảo, tọa đàm và nghiên cứu đề tài thành sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm thông tin để phục vụ lãnh đạo Quốc hội, UBVTQH và các Cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện các đề án theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội. Cụ thể, Viện NCLP thực hiện các đầu việc theo sự phân công trong Đề án “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và VPQH phục vụ Đảng đoàn Quốc hội thực hiện 04 nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao trong năm 2022; các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH giao.  

 Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH và theo đề nghị phối hợp từ HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội, các Cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH, ĐBQH và các cơ quan hữu quan khác.

Hai là, công tác quản lý khoa học: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì và chủ quản, đôn đốc các cơ quan liên quan, chủ nhiệm đề tài thuộc nhóm năm 2020-2021, 2021-2022 và nhóm năm 2022-2023 bảo đảm thực hiện đúng tiến độ; tổ chức phục vụ các phiên họp của Hội đồng khoa học của UBTVQH; giúp Hội đồng khoa học của UBTVQH tổ chức các hội thảo khoa học lớn, liên quan đến các dự án luật quan trọng, nhất là Luật Đất đai; đăng tải công khai trên cổng intranet hoặc e-Office kết quả NCKH, các thông tin liên quan đến công tác QLKH; bổ sung, cập nhật dữ liệu chuyên gia phục vụ cho công tác triển khai NCKH; thực hiện ký kết hợp tác với các tổ chức, đơn vị nghiên cứu; xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu NVKH cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” để bảo đảm có thể thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Ba là, công tác biên tập, xuất bản Sách và Tạp chí: Xuất bản ấn phẩm in Tạp chí NCLP định kỳ, bảo đảm chất lượng, đúng tôn chỉ mục đích. Thực hiện cập nhật thông tin, bài viết, văn bản pháp luật lên Trang thông tin điện tử của Tạp chí NCLP (website: lapphap.vn). Chú trọng, ưu tiên đặt và đăng tải những bài viết tập trung vào các vấn đề: hoàn thiện các chính sách liên quan đến hoạt động lập pháp; hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và phòng, chống tội phạm; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; kinh nghiệm quốc tế về lập hiến, lập pháp, tổ chức bộ máy nhà nước... Tổ chức hội nghị Hội đồng biên tập Tạp chí hàng năm để xin ý kiến về định hướng chủ đề đăng tải và những chủ đề cần ưu tiên đăng tải trong năm tiếp theo và tổ chức Hội nghị “Cộng tác viên hàng năm” để gặp mặt tri ân những đóng góp của bạn đọc, cộng tác viên đối với Viện NCLP.

Bốn là, công tác phục vụ chung: Tổ chức rà soát và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ (sửa đổi); phối hợp cùng với VPQH, Ban CTĐB và bộ ban ngành hữu quan để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 liên quan đến công tác cán bộ, chế độ chính sách đối với viên chức và người lao động của Viện NCLP; cơ chế tài chính của Tạp chí NCLP. Phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2022, Viện NCLP sẽ kiện toàn nhân sự các vị trí nhân sự chủ chốt của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và Kế toán trưởng; thực hiện luân chuyển các vị trí công việc theo quy định; tiếp tục sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực tại các đơn vị trong Viện NCLP phù hợp với lĩnh vực đào tạo và sở trường công tác. Thực hiện giám sát, kiểm tra nội bộ việc thực hiện thanh toán các nhiệm vụ chuyên môn bảo đảm chi đúng, chi đủ theo quy định nhà nước.

Tại hội nghị, Viện NCLP cũng kiến nghị với Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH; Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội một số vấn đề cụ thể liên quan đến: Kiện toàn đội ngũ lãnh đạo; Nâng cao vị thế của Viện NCLP trong mối quan hệ với HĐDT, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH,…; Công tác phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vu;…/.

Lê Anh