Ðúng 9 giờ ngày 20-5, tại Hà Nội, Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm và nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều Ðại biểu QH các khóa trước, đại diện các Ðoàn Ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài đã dự.
Trước giờ khai mạc, các đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên họp trù bị, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc, nêu rõ: Kỳ họp thứ bảy của QH khóa XII diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. Ở trong nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự giám sát có hiệu quả của QH, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo của Chính phủ về thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu QH đã đề ra, trong đó đánh giá một số tình hình của năm 2009, kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ 2010.
Ðồng chí Huỳnh Ðảm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Báo cáo cho biết: Ðể chuẩn bị cho Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Thường vụ QH tập hợp được 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Báo cáo nhấn mạnh: Những tháng qua, cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, an sinh xã hội được chăm lo thiết thực, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm... Vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước như: Nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững của nền kinh tế; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; vấn đề lao động và việc làm; vấn đề giáo dục, đào tạo, y tế và xã hội; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường; vấn đề VSATTP; thiên tai, hạn hán, nước mặn xâm thực, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi xảy ra trên diện rộng gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, VSATTP, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng... Cử tri và nhân dân cũng kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết rốt ráo những nội dung mà cử tri và nhân dân đã kiến nghị tại các kỳ họp trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2009, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2010 trong những tháng đầu năm. Ủy ban Kinh tế tán thành với kết quả phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2010 nêu trong báo cáo của Chính phủ. Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010 trong điều kiện chịu ảnh hưởng đan xen cả yếu tố thuận lợi và không thuận lợi từ ngay trong nội tại nền kinh tế. Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2010, Ủy ban Kinh tế cho rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên hàng đầu, không chỉ là nền tảng bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý cho năm 2010, mà sẽ là tiền đề để tăng trưởng cao cho những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt NSNN là những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện quyết liệt trước mắt để thực hiện được mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Ủy ban Kinh tế nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2010 của Chính phủ. Ðồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và yêu cầu kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính thanh khoản nền kinh tế; có chính sách hướng nguồn vốn tín dụng tới những khu vực kinh tế thật sự có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có các chính sách và biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; và tập trung thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu, trong đó chủ yếu sử dụng biện pháp kinh tế, hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính...
Trong ngày làm việc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Báo cáo của Chính phủ về quyết toán NSNN năm 2008 và cho biết: Chính phủ trình QH phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2008 với: Tổng số thu cân đối NSNN là 548.529 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 590.714 tỷ đồng. Bội chi NSNN 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2008, cho biết: Về cơ bản, Ủy ban nhận thấy, công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN năm 2008 của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện khá tốt, có nhiều tiến bộ so với các năm trước... Tuy nhiên, một số địa phương chất lượng thẩm định quyết toán NSNN chưa cao, còn sai sót, chấp hành NSNN còn nhiều sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra phát hiện và kiến nghị, xử lý, khắc phục. Một số bộ, ngành và địa phương, các chủ đầu tư lập, phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư còn chậm, số dự án hoàn thành chưa được lập báo cáo quyết toán, chưa phê duyệt quyết toán còn khá lớn. Năm 2008, vẫn còn 10.394 dự án đã nộp hồ sơ quyết toán nhưng chưa được phê duyệt, chiếm 16,45% tổng số dự án hoàn thành trong năm. Năm 2009, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc chấp hành các quy định pháp luật về mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2007, 2008" trên phạm vi toàn quốc và trực tiếp tiến hành giám sát tại 13 tỉnh, thành phố, một số bộ, ngành trung ương về nội dung này. Ủy ban cho rằng: Chất lượng xây dựng dự toán có tiến bộ so với năm 2007. Tuy nhiên thực tế một số khoản thu, chi vẫn vượt lớn so với dự toán. Trong đó chi ngân sách trung ương tăng 13,2% so với dự toán. Chi ngân sách địa phương năm 2008 tăng 13,8%... Thu ngân sách vượt dự toán nhưng nguồn thu chưa vững chắc và chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Thu NSNN năm 2008 đạt 430.549 tỷ đồng, vượt 33,3% so với dự toán. Công tác quản lý chi đầu tư phát triển được chú trọng và có chuyển biến, nhưng tình trạng đầu tư dàn trải. Triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về tiết kiệm và chống lãng phí đạt được kết quả khá tốt, nhưng ở một số địa phương chi thường xuyên vẫn vượt nhiều so với dự toán. Ủy ban đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng dự toán NSNN, nâng cao chất lượng công tác dự báo, bảo đảm dự toán NSNN sát thực, hiệu quả. Ðiều hành chi NSNN bám sát dự toán được phê duyệt, đúng thẩm quyền, đúng quy định của Luật NSNN, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi. Thực hiện tốt các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiểm điểm trách nhiệm, có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các kiến nghị xác đáng của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân và các tổ chức có sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2008 như Tờ trình của Chính phủ.
Tiếp đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày Báo cáo đầu tư dự án Ðường sắt cao tốc (ÐSCT) Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ðây là dự án quan trọng quốc gia; Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ðể có cơ sở báo cáo QH về Dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án ÐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trình bày cơ sở pháp lý chủ yếu cho việc lập dự án và nội dung dự án, đồng thời kiến nghị với QH một số vấn đề về dự án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án ÐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng ÐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Song cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng ÐSCT bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất. Ðề nghị Chính phủ giải trình và phân tích cụ thể hơn tính khả thi của từng thời kỳ thực hiện dự án và báo cáo cụ thể, chi tiết hơn tuyến đi qua các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm di tích lịch sử - văn hóa, địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng...
Về lựa chọn công nghệ, Ủy ban thấy rằng, việc lựa chọn phương án 1 như Tờ trình của Chính phủ là có cơ sở và khả thi hơn. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo QH cụ thể và chi tiết hơn về tổng mức đầu tư và nguồn vốn. Ðề nghị cần tính toán kỹ, cân nhắc việc lựa chọn phương án để mang lại hiệu quả tổng thể tối ưu nhất, nhưng không vượt quá mức trần đầu tư. Ủy ban đề nghị Chính phủ giải trình, cung cấp thêm thông tin cho đại biểu QH những nội dung đã nêu trong Báo cáo thẩm tra và đề nghị QH xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần. Trước khi khởi công xây dựng từng dự án, Chính phủ báo cáo QH xem xét và quyết định nội dung cụ thể theo thẩm quyền.