Sáng 21/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ hai tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).
Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, gồm 7 chương, 66 điều quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dự kiến, đây sẽ là một trong 10 dự án luật được thông qua tại kỳ họp này.
Về nội dung Điều 2 của dự thảo Luật quy định địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo giải trình của Ủy ban Kinh tế đề nghị được giữ như dự thảo luật với lập luận, xây dựng Ngân hàng Nhà nước trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại, có tính tự chủ và tính độc lập cao là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, đây là một việc lớn cần có bước đi thích hợp và đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của một ngân hàng trung ương hiện đại.
Do đó, trong những năm trước mắt, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia vừa bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế, tài chính của quốc gia.
Vì vậy quy định địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ thực hiện chức năng Ngân hàng Trung ương là phù hợp với thể chế chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay và mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước.
Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đều tán thành với những sửa đổi, chỉnh lý trong dự thảo Luật được đưa ra trình Quốc hội ở kỳ họp này.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn với một số quy định như trong dự thảo Luật về chính sách tiền tệ quốc gia và sự phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định và thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia; Vấn đề có quy định hay không lãi suất cơ bản trong luật; Thẩm quyền sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.
Đề nghị cần làm rõ thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thống đốc ngân hàng Nhà nước phù hợp với quy định Hiến pháp, đa số ý kiến đại biểu đều thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định trong dự thảo luật việc Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Và giám sát thực hiện chính sách tiền tệ
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm là không hợp lý vì định hướng chỉ là một khái niệm chung, không phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội quy định về thẩm quyền Quốc hội quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu hàng năm.
Mặt khác, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, vừa phản ánh giá trị đồng tiền, vừa chi phối các chỉ tiêu quan trọng khác, cần phải được xác định cụ thể vừa để tính toán, cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, vừa để xác định các biện pháp, chính sách cụ thể trong chỉ đạo điều hành.
Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) cho rằng, thẩm quyền quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải do Quốc hội. Đại biểu Phan Trung Lý phân tích: “Chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Điều 84 Hiến pháp là thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Căn cứ vào đó thì phương án tiếp thu ở trong dự thảo luật có thể hiểu: chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Như vậy có thể thấy quy định về chính sách tiền tệ quốc gia trong dự thảo luật là phù hợp”.
Tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản
Liên quan đến việc điều hành lãi suất được quy định tại Điều 12 dự thảo Luật, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) đề nghị tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản khác.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, có thể phát sinh tình huống ngoài khả năng điều tiết bằng các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng để ổn định thị trường như quy định tại khoản 2 Điều 12 là cần thiết. “Khoản 1 Điều 12 có ghi lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, ở đây phải hiểu lãi suất khác là có cả lãi suất cơ bản. Khoản 2 Điều 12 nên giữ nguyên để xử lý những vấn đề đột xuất khi thị trường có sự bất ổn mà Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giữ vững vai trò quản lý và điều tiết của mình. Điều đó đảm bảo được tính ổn định của Luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc hoạt động của thị trường. Có điều kiện giải quyết các vấn đề tình thế trong điều kiện thị trường tiền tệ bất ổn. Ghi như thế cũng không ảnh hưởng nhiều đến các Luật khác mà chúng ta đang thi hành”, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Cao Sỹ Kiêm về việc cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản, tuy nhiên các ý kiến đề nghị trong dự thảo luật cần giải thích rõ “các loại lãi suất điều hành khác” bao gồm cả lãi suất cơ bản, chứ không quy định chung chung.
Về đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng, các đại biểu đề nghị chỉ tập trung vào hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó gián tiếp giám sát hiệu quả và mức độ đầu tư, sử dụng góp vốn của tổ chức tín dụng.
Đóng góp ý kiến về Thẩm quyền sử dụng quỹ Dự trữ ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) kiến nghị: Việc sử dụng dự trữ ngoại hối vào mục đích chi tiêu thuộc phạm vi ngân sách cần thiết phải do Quốc hội quyết định, để bảo đảm đúng chức năng, nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước của Quốc hội. Tuy nhiên, do điều kiện hiện nay Quốc hội chưa họp được thường xuyên, chỉ họp hai kỳ trong một năm, đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này để xử lý một cách kịp thời các yêu cầu sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách.
Chiều nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh./.