PHIÊN HỌP THỨ 51 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA 1 PHÁP LỆNH VÀ 8 NGHỊ QUYẾT

18/12/2020

Từ ngày 09 đến ngày 10/12/2020, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên cuối của năm 2020 – phiên họp thứ 51 để cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp; cho ý kiến về dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết và một số nội dung quan trọng khác. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 4165/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên họp

Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: tổng kết kỳ họp thứ 10, cho ý kiến bước đầu việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử và một số nội dung khác; thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và 08 Nghị quyết.

Bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để bước đầu chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị lưu ý các vấn đề. Theo đó, để bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng, chống ma túy và tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật khác, phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm: phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy quy định theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như Luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

Việc chỉnh lý nội dung về cai nghiện ma túy trong dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc: chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy; ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện và biện pháp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đã từng cai nghiện ma túy (bắt buộc hoặc tự nguyện) mà tái nghiện. Đồng thời, cần bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, từ đó chỉ ra nguyên nhân dẫn đến không hiệu quả và đưa ra giải pháp khắc phục, đề xuất các quy định cụ thể để bảo đảm việc thực hiện, áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, quy định theo hướng bảo đảm thống nhất với các luật khác, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho các chủ thể này. Văn bản hướng dẫn Luật phải quy định rõ về thủ tục lập hồ sơ, ra quyết định của Tòa án v.v… và bảo đảm quy trình, thủ tục phải nhanh, gọn, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 để bảo đảm thống nhất với thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử

Về các dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành và tên gọi của 03 dự thảo Nghị quyết do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trình. Để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sau, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.

Nguyên tắc chung là việc hướng dẫn phải bảo đảm đúng Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; những vấn đề đã được quy định và thực hiện trong cuộc bầu cử trước, nếu không có vướng mắc lớn hoặc vướng mắc chỉ mang tính cá biệt thì không sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính ổn định; nếu có đề xuất sửa đổi, bổ sung thì cũng cần tính toán kỹ về khả năng thực hiện để bảo đảm yêu cầu về tiến độ của công tác bầu cử và điều kiện đáp ứng của các địa phương.

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung: Về việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác đối với người ứng cử công tác tại cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị chỉnh lý theo hướng người ứng cử công tác tại cơ quan nào thì tổ chức lấy ý kiến ở cơ quan đó, không tổ chức lấy ý kiến chung tại Văn phòng Quốc hội. Không quy định điều kiện người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục tại nơi cư trú từ đủ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú mà quy định khái quát theo Luật Cư trú. Không quy định về việc lấy ý kiến cử tri ở nơi gia đình sinh sống đối với người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà do đặc thù công việc ít có điều kiện tiếp xúc với Nhân dân, Chi bộ, Tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận ở nơi người đó cư trú. 

Giữ quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú như quy định hiện hành. 

Về dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Tán thành việc bổ sung quy định hướng dẫn về số dư người ứng cử và việc tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã do thôn, tổ dân phố giới thiệu như đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác. Nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:  Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc xác định quy mô dân số của các đơn vị hành chính theo số liệu do Tổng cục Thống kê hoặc cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố; đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao.

Rà soát, chỉnh lý quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong dự thảo Nghị quyết theo đúng số lượng quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ quan điểm về việc quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách của thành phố Hà Nội.

Rà soát cụ thể về cơ cấu, thành phần và việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Kết quả Kỳ họp thứ 10 tiếp tục khẳng định Quốc hội đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, luôn đổi mới, trách nhiệm cao

Về tổng kết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 10 do Tổng Thư ký Quốc hội trình, đồng thời nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10 đã kết thúc tốt đẹp và tiếp tục khẳng định Quốc hội đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, công khai, luôn đổi mới, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy năng lực, thể hiện bản lĩnh, thái độ rõ ràng, trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định các nội dung kỳ họp. Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng công khai, dân chủ, minh bạch, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng được ghi nhận, đánh giá cao.

Các nội dung kỳ họp cơ bản được chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét, cân nhắc thận trọng. Công tác lập pháp đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đánh giá cao, câu hỏi thẳng thắn, rõ ràng, phạm vi chất vấn rộng, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người chất vấn và trả lời chất vấn. Chương trình kỳ họp được bố trí, sắp xếp khoa học, linh hoạt; việc tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội đầy đủ, kịp thời, khách quan. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt đã phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, nhất là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai khá tốt, bảo đảm đầy đủ, nhanh chóng, phản ánh thông tin nhiều chiều trong thời gian trước, trong và sau kỳ họp.

Tuy nhiên, kỳ họp vẫn còn một số hạn chế như: hồ sơ tài liệu một số nội dung gửi đến đại biểu còn chậm; một số dự án luật chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, thiếu sức thuyết phục; một số đại biểu phát biểu còn trùng lặp; có Bộ trưởng trả lời đôi khi còn chung chung, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể.

Chuẩn bị tổ cho công tác tổng kết nhiệm kỳ

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 để gửi đến đại biểu Quốc hội. Đối với nội dung về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2021, đề nghị Chính phủ báo cáo để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Cần lưu ý chuẩn bị tốt công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm chất lượng các báo cáo trình Quốc hội. Đồng thời, cần quan tâm bảo đảm chế độ chính sách, làm tốt công tác khen thưởng đối với thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã công tác lâu năm tại Quốc hội.

Thông qua 01 Pháp lệnh và 08 Nghị quyết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 01 Pháp lệnh và 08 Nghị quyết:

- Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

- Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nghị quyết về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

- Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

- Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

- Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

- Nghị quyết về Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Quốc hội.

- Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến ngày 31/12/2021.

- Nghị quyết về việc điều chỉnh vốn viện trợ nước ngoài năm 2020 của tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý  kiến về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án đã thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Nghị quyết số 129/2020/QH14 đã đầy đủ, rõ ràng vấn đề phân bổ vốn đầu tư công năm 2021, đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết này.

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc tổng kết thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chí phân loại đô thị trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và các nghị định, văn bản có liên quan để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của phiên họp./. 

Bảo Yến

Các bài viết khác