Thông cáo phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

Từ ngày 20 đến 24-12-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 24 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI.

- Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6: Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng mặc dù chương trình của kỳ họp khá nặng, nhưng do được chuẩn bị tương đối kỹ và với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và khoa học nên Quốc hội đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra, bảo đảm đúng thời gian dự kiến. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đẩy mạnh và phát huy. Các vấn đề bức xúc, nổi cộm được thảo luận dân chủ, công khai, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, hoan nghênh sự đóng góp có hiệu quả của nhân dân cả nước, các ngành, các cấp, các cơ quan phục vụ trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

- Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI: Căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, bộ luật và cho ý kiến 11 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

2- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về ba dự án Pháp lệnh:

 - Về dự án Pháp lệnh về công tác cảnh vệ: Việc ban hành Pháp lệnh này nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác cảnh vệ, vì đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển đất nước và mở rộng các quan hệ quốc tế; tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Chương trình công tác và Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

- Về chương trình công tác năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

Trong công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo triển trai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005; quy định tiến độ và các biện pháp bảo đảm thực hiện tốt chương trình năm 2005; chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.

Trong công tác giám sát, tiến hành giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; chỉ đạo thực hiện các nội dung Quốc hội trực tiếp giám sát tại hai kỳ họp và một số nội dung quan trọng khác.

- Về Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá tổng quát kết quả hoạt động đối ngoại năm 2004 và quyết định phương hướng hoạt động đối ngoại năm 2005 của Quốc hội. Trong đó Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội coi trọng cả quan hệ song phương và cả quan hệ đa phương; tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Nghị viện các nước trong khu vực và thế giới.

4- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và của ba ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khi thành lập đến nay.

5- Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số nội dung sau:

- Nghe báo cáo kết quả cuộc giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hai mẹ con con trâu ở Yên Bái;

- Nghe báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao về vấn đề trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự và ra nghị quyết quy định về vấn này;

- Xem xét, quyết định danh sách các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự từ ngày 1-1-2005;

- Cho ý kiến về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế giai đoạn 2005-2007.
 
  • Phiên họp thứ 23
  • Quốc hội khóa XIII
  • Phiên họp thứ 49
  • Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội giữa kỳ
  • Phiên họp thứ 46
  • Phiên họp thứ 22
  • Phiên họp thứ 38
  • Phiên họp thứ 16
  • Quốc hội khóa XI
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp thứ 24
  • Phiên họp thứ 23
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 19
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X