Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp Ảnh: Đình Nam
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến xem xét, thảo luận nhiều nội dung và diễn ra từ ngày 19/12 đến hết buổi sáng 22/12. Cụ thể, tại phiên họp này Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương; Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bố trí vốn đầu tư cho các dự án của kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2017-2020.
Cho ý kiến về các đề án của Kiểm toán Nhà nước gồm: Đề án về tổ chức, biên chế của Kiểm toán Nhà nước đến năm năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án về vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước; Đề án về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước; Đề án về kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 năm 2018.
Nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để bảo đảm cho phiên họp đạt chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dành thời gian dự họp đầy đủ, nghiên cứu tài liệu, tích cực đóng góp các ý kiến có chất lượng vào các dự thảo, báo cáo được đưa ra xem xét, quyết định trong phiên họp này.
Ngay sau khi khai mạc phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và cho ý kiến về Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự do Tòa án nhân dân Tối cao trình.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại phiên hop
Theo Tờ trình, thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 134/2002/NQ- UBTVQH11 ngày 04/11/2002 về Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, công tác phối hợp giữa Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức đi vào nền nếp, có hiệu quả; hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan đã thực hiện đúng theo Quy chế phối hợp.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua đã phát sinh những yêu cầu mới và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định mới về Tòa án quân sự so với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002. Từ đó, đòi hỏi cần phải có những điều chỉnh, bổ sung Quy chế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý các tòa án quân sự trong tình hình mới.
Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức hiện nay; đánh giá về hiệu quả của công tác phối hợp trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức trong thời gian qua; căn cứ vào các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng lại Quy chế phối hợp, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, về cơ bản hồ sơ đã được chuẩn bị theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hồ sơ dự thảo Quy chế trình Ủy ban thường vụ Quốc hội còn thiếu ý kiến của Chính phủ, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương bổ sung tài liệu kèm theo để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào tên gọi của Quy chế; các hình thức, nội dung cụ thể về phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức; vấn đề về phạm vi điều chỉnh của Quy chế.
Về đề nghị sửa tên Quy chế thành Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án Quân sự về tổ chức của cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng cần giữ nguyên tên của quy chế. Ủy ban Tư pháp dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án Quân sự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến giải thích không chỉ theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao, mà theo thông lệ quy chế phối hợp cũng là giữa hai cơ quan, không phải giữa hai người đứng đầu hai cơ quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị giữ nguyên tên gọi của quy chế là sự phối hợp giữa hai cơ quan, đồng thời đề nghị dự thảo quy chế có thể quy định về trách nhiệm phối hợp giữa hai người đứng đầu hai cơ quan.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt lại cho rằng, việc ghi rõ quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế, có những vấn đề có thể cần có sự thảo luận, trao đổi của tập thể, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là người đứng đầu. Nếu để quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, mỗi cơ quan lại ủy quyền cho một lãnh đạo cấp phó phụ trách, khi có sự cố xảy ra thì việc quy trách nhiệm sẽ lại không đến nơi, đến chốn.
Tiếp thu ý kiến của đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ giữ nguyên tên là Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án Quân sự về tổ chức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải thích thêm, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ xem xét Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án Quân sự về tổ chức, nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không hạn chế việc hai người đứng đầu của hai cơ quan này có quy chế phối hợp với nhau. Do vậy, ngoài quy chế phối hợp giữa hai cơ quan do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, hai người đứng đầu của hai cơ quan hoàn toàn có thể tự thỏa thuận quy chế phối hợp riêng.
Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Quy chế phối hợp tiếp thu ý kiến phát trong phiên họp, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.