Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ làm việc 22,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 22/5/2017 và bế mạc vào thứ tư, ngày 21/6/2017, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để bảo đảm thời gian nghỉ, nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội.
Về Công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; Cho ý kiến 08 dự án luật. Dự án Luật công an xã và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 2 để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan căn cứ tình hình chuẩn bị để sớm khẳng định việc có hay không trình 02 dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự án Luật về hội, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 02 dự án luật này, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; dự kiến Quốc hội sẽ nghe chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày.
Về việc báo cáo tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát quy định của pháp luật hiện hành về việc định kỳ hàng năm Chính phủ, cơ quan hữu quan báo cáo Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Nếu cần thiết sẽ đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án, công trình quốc gia đã hoàn thành, ổn định hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Theo thông lệ, kỳ họp giữa năm thường tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng pháp luật nên các dự án trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 có số lượng lớn. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, nội dung, tài liệu các dự án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp tháng 1, tháng 2 và tháng 3/2017, tránh quá tải cho phiên tháng 4/2017 và không bố trí vào phiên họp tháng 5/2017 để bảo đảm thời hạn gửi tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 4/2017 để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật quy hoạch, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật đường sắt (sửa đổi)…; đồng thời, đề nghị Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban đề xuất những nội dung cần thảo luận tại Hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.
Đồng thời, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị nên kéo dài thời gian chất vấn tại Nghị trường, để các thành viên Chính phủ có thể giải trình được hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải đáp thắc mắc cho các cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, về thời gian chất vấn, nên tăng lên 3 ngày tại kỳ họp thứ 3, để đảm bảo nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu và được nghe câu trả lời từ các thành viên Chính phủ. Tất cả những lời hứa như trả lời bằng văn bản thì bộ phận giám sát cần có nhắc nhở để có báo cáo sớm, công khai cho Quốc hội.
Về công tác biểu quyết tại Nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu hình thức biểu quyết có tên, để minh bạch hóa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có thể thu phiếu ý kiến theo đoàn. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội gương mẫu, nghiêm túc thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để tăng chất lượng Luật; tiếp tục phát huy những công tác được cử tri đánh giá cao tại các kỳ họp qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền của báo chí đối với Quốc hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội muốn việc thông tin phải hài hòa hơn, phù hợp hơn; đưa cả mặt được, mặt chưa làm được trong phát biểu của các đại biểu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên đưa đầy đủ, đa diện các ý kiến của các đại biểu để thông tin toàn diện hơn, bao quát hơn, hài hòa hơn cho cử tri được biết.