GIAO TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀ CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN CẦN CÓ ĐÁNH GÍA THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH

27/10/2023

Đóng góp ý kiến vào Luật Nhà ở (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một loại ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay ở trong Luật Nhà ở (sửa đổi), còn loại ý kiến khác là làm thí điểm và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động trình phương án để Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm.

LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH RÕ TẠI LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỀ THỜI HẠN SỬ DỤNG LOẠI ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ CHUNG CƯ

BAN HÀNH NHỮNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỦ MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Quy định cho Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở trong dự thảo luật để bổ sung thêm nguồn lực đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội

Tại báo cáo tiếp thu giải trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 4 Điều 80), Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5. Ý kiến khác đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân, không làm dự án nhà ở xã hộ

Một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ kinh phí đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là từ nguồn nào.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023 của Chính phủ góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo số 390/BC-TLĐ ngày 11/9/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi UBTVQH đều đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn.

Hiện, UBTVQH tán thành với phương án, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thicần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng theo phương án này thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội...

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, một số đại biểu cũng tán thành cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm, Tổng Liên đoàn đã tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động từ năm 2017 đến nay theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và không phải là hoạt động mới. Hiện nay Tổng Liên đoàn đã hoàn thành việc đầu tư thí điểm thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ cho công nhân thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy là 100% và khẳng định được năng lực tổ chức. Tất nhiên, cũng có những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thì đã được chỉ ra trong các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Công đoàn. Tuy nhiên, hiện nay công nhân và người lao động rất mong chờ Quốc hội sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, bất cập này để Tổng Liên đoàn có thể thực hiện tốt hơn hoạt động này.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, chủ đầu tư của các dự án thiết chế công đoàn, trong đó có phần xây dựng nhà ở đã được giao cho Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, đây là ban quản lý dự án chuyên ngành được thành lập theo quy định tại Luật Xây dựng như các ban quản lý chuyên ngành khác trực thuộc các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, đủ năng lực triển khai dự án nhà ở cho công nhân, người lao động khi được giao làm chủ đầu tư. Từ căn cứ nêu trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung tán thành quy định cho Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở trong dự thảo luật và để bổ sung thêm nguồn lực đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như các thiết chế như thiết chế về văn hóa, thể thao để góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động, thu hút người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tán thành ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sự cần thiết tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện. Đối với quỹ nhà ở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động, nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để đảm bảo hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy nhiên, cũng cần phải thông qua một cơ chế phù hợp nào đó vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Do đây là chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân rất cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Chưa nên đưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi), cần có đề án để đánh giá thí điểm 

Tuy nhiên tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với phương án 2 là chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ khó khăn về nguồn lực, khó bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chính sách. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nghiêng về phương án 2 là chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, nếu mục đích giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản sở hữu nhà ở xã hội, để thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn sẽ là điều hết sức đáng quan tâm. Theo đó, công cụ, biện pháp đưa ra trong Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này tại khoản 4 Điều 80 nếu có sẽ không phát huy được tác dụng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng nghiêng về phương án 2 và cho rằng lý do chọn phương án 1 chưa thỏa đáng vì Công đoàn là người đại diện tiếng nói cho người lao động, bây giờ Công đoàn lại trở thành những chủ đầu tư. Nếu như khi nhà ở có vấn đề thì ai sẽ là người đại diện cho người lao động để nói lên tiếng nói đó? Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có thể là nhà đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ nên những dự án mẫu, làm điển hình và để Công đoàn lấy làm cơ sở so sánh để có tiếng nói với các lực lượng khác mà thôi.

Quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Tô Văn Tám nêu căn cứ, trước đây Chính phủ đã có Quyết định 65 năm 2017 và Quyết định 1279 năm 2020 về đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, những quyết định này thực hiện đến năm 2030; trong các thiết chế đó thì có nhà ở và quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, mà Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng quá trình thực hiện các quyết định này như thế nào, xem thử đủ độ chín để đưa vào luật hay chưa. Tinh thần làm luật như Chủ tịch Quốc hội thường nói rằng những cái gì đã chín, đã rõ thì mới đưa vào luật. Việc này đã đủ độ chín hay chưa, bởi vì cần phải có đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng thì mới biết chín hay chưa để đưa vào trong luật.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc xây dựng nhà ở để bán, để kinh doanh, cho thuê, theo pháp luật hiện hành là thuộc về các tổ chức kinh tế mà có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nhà ở thực hiện, ví dụ như Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư quy định việc này. Nên việc giao cho một cơ quan nhà nước hay một tổ chức chính trị xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua là chưa phù hợp với yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước, chức năng chính trị xã hội của tổ chức với chức năng sản xuất kinh doanh, do vậy cần phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này. Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, chưa nên quy định trong luật mà cần tiếp tục thực hiện các quy định tại Quyết định 655 và 1729 của Thủ tướng Chính phủ và sau đó có tổng kết.

Quốc hội nên lấy phiếu 2 phương án để lựa chọn 

Đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp

Trước thực tế, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất với quy định có nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ sở hữu xây dựng nhà ở cho công nhân hay không? Đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp cho rằng  phương án nào cũng có ưu điểm, cũng có hạn chế. Quan điêm của đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị UBTVQH sẽ lấy phiếu 2 phương án, phương án nào nhiều phiếu hơn thì ủng hộ phương án đó. Đại biểu Phạm Văn Hoà nghiêng về phương án 2 hơn vì hiện nguồn vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có trên dưới 30 nghìn tỷ thì chưa phải đủ nguồn lực, vẫn cần hỗ trợ từ ngân sách từ Nhà nước. Vì vậy nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đó làm chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân chứ không chỉ riêng của Liên đoàn Lao động.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Một loại ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay ở trong Luật Nhà ở, một loại ý kiến khác là làm thí điểm và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động trình phương án để Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng cũng ghi nhận quan điểm của các đại biểu cùng trên tinh thần ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện vai trò chức năng rất quan trọng thế này để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là quyền lợi an sinh về nhà ở.

 

Hải Yến

Các bài viết khác