VĂN HOÁ PHẢI ĐƯỢC ĐẶT NGANG HÀNG VỚI KINH TẾ

08/11/2023

Dù có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển văn hóa sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, song tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ thừa nhận kết quả phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải có giải pháp căn cơ để phát triển văn hóa, đưa văn hóa phát ngang bằng với kinh tế.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CHÍNH SÁCH XỨNG TẦM CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIẢI PHÁP TRỌNG YẾU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia… Hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang 

Đặc biệt, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam được cả xã hội quan tâm. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông; di sản văn hoá tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Du lịch từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19; nhiều lễ hội truyền thống, chương trình văn hoá nghệ thuật được tổ chức thành công với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, hấp dẫn, góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Cũng liên quan đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: “Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều nhiệm vụ, giải pháp về việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được quan tâm, tập trung triển khai. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam được xây dựng; du lịch Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực”.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề có mặt còn hạn chế; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài

Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022, chúng ta đang nỗ lực cao nhất tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hoá. Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa, hoặc mới chỉ được quan tâm nhiều đến tính chất phong trào (số lượng làng, khu dân cư văn hoá) chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Dẫn báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật qua từng năm 2021, 2022, 2023, đại biểu thấy rằng tội phạm về trật tự - xã hội đều có xu hướng tăng. Trong đó những tội phạm thể hiện rõ nhất sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người… đều tăng. Gần đây vẫn tiếp tục diễn ra các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em, giết người bằng những thủ đoạn tàn độc gây rúng động dư luận.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Bên cạnh đó, các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời; bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trở thành mối lo lớn…“Tất cả những điều đó có liên quan đến văn hóa không? Câu trả lời là có. Là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu”, đại biểu đặt câu hỏi.

Làm thế nào để văn hóa được chú trọng để có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu cho rằng không phải chỉ đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm những việc gì. Theo đại biểu, chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi là việc của ngành văn hóa thì chừng đó phát triển văn hóa còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh, thì chừng đó mới có sự chuyển biến về chất.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết, từ cấp Trung ương tới cơ sở.

Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế

Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Chính phủ cần nghiên cứu và có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Đây là yêu cầu bức xúc khi mà những vấn đề về đạo đức đang bị xói mòn, rạn nứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong xã hội.

Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hoá trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yêu cầu đối của cả hệ thống chính trị nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hoá phát triển tương xứng, hài hoà với các lĩnh vực trọng yếu khác.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá; xem văn hoá là “đuôi”, là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế; xem nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng “chẳng chết ai”; đầu tư cho văn hoá khó có lợi nhuận...

Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến phát triển văn hoá thì cũng tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hoá là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hoá nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hoá. Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hoá, văn hoá phải đi cùng và ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển./.

Thu Phương