CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐƯỢC TRIỂN KHAI MẠNH MẼ, QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ VÀ ĐỘT PHÁ

21/11/2023

Sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CHÁNH ÁN TANDTC, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KSNDTC… CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 2023

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2023, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ... Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ tiếp tục quan tâm; nhiều văn bản về quản lý KT-XH và PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN vẫn còn hạn chế. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để, một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Trong công tác xây dựng pháp luật, còn trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, năm 2023, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức phong phú , nhất là việc xuất bản, quán triệt nghiên cứu, học tập Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Công tác truyền thông, công khai thông tin kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường; chú trọng việc đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN, tiêu cực được phát huy.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực . Tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, sách nhiễu, vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân diễn ra còn nhiều…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, năm 2023, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Cụ thể là việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm .

Việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ, ban hành quy tắc ứng xử trong nhiều trường hợp còn chậm; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa ban hành quy tắc ứng xử để thực hiện. Tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử  diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, năm 2023, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý KT-XH của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng                                                                                        .

Tuy nhiên, công tác thanh tra còn có hạn chế; việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ; một số cuộc thanh tra chưa làm rõ được hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra ; còn có trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra..., gây hậu quả nghiêm trọng

Minh Hùng