HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 5

20/10/2018

Ngày 19/10/2018, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 5 nhiệm kỳ 2016 – 2021 với chủ đề: “Kinh nghiệm và giải pháp của Hội đồng nhân dân về việc nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo”.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Tham gia Hội nghị có Thường trực Hội đồng nhân dân, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân 15 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đại diện Hội đồng nhân dân ở khu vực Trung du và Miền Núi phía Bắc (tỉnh Lào Cai); khu vực Bắc Trung Bộ (tỉnh Quảng Bình); khu vực Đông Nam Bộ (tỉnh Bình Dương, Tây Ninh). Hội nghị là dịp để Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, giải pháp trong thực tiễn và đưa ra những kiến nghị về mặt pháp lý, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo đề dẫn của đồng chí Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất nhận định: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được Hội đồng nhân dân thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, dần đi vào nền nếp, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm hơn trong việc xem xét và xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, từ đó góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp. Qua đó đã giải thích, tuyên truyền để công dân hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua công tác tiếp công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phản ánh từ thực tiễn của cuộc sống - Đây là kênh thông tin quan trọng để Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân kiểm chứng tính khả thi, sự phù hợp và hiệu lực, hiệu quả của những Nghị quyết do Hội đồng nhân dân đã ban hành; kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tiêu biểu như tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh; tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân; tỉnh Hậu Giang thành lập Tổ rà soát Nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành và theo dõi ý kiến kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh; tỉnh Kiên Giang tổ chức để Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng tại Văn phòng Hội đồng nhân dân  tỉnh; tỉnh Bạc Liêu giao Ban pháp chế tổ chức giám sát việc thi hành án dân sự và khiếu nại của người mua trúng tài sản bán đấu giá để thi hành án; tỉnh Cà Mau tổ chức giám sát chuyên đề về “công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh”…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Hội đồng nhân dân vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc từ quy định pháp luật như: quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chưa có quy định về việc người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân trong trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhiều lần về cùng một nội dung đã được người tiếp công dân tiếp, hướng dẫn, giải thích; chưa có quy định cụ thể về số lần đại biểu dân cử tiếp công dân hằng năm hoặc theo nhiệm kỳ; về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân….cũng như những khó khăn từ khâu tổ chức thực hiện như: sự tham gia phối hợp giữa tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp công dân và xử lý, khiếu nại tố cáo; các ý kiến của công dân phạm vi rộng, trên nhiều lĩnh vực, trong khi đại biểu chỉ am hiểu một số lĩnh vực nên lúng túng khi trả lời, giải thích cho công dân…

Tại hội nghị các vị đại biểu cũng đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết để thi hành hiệu quả các Luật có liên quan đến công tác tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng hoạt động giám sát nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND các cấp. 

Kết thúc Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau bàn giao việc đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang./.

T.V.C