HỘI NGHỊ BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VÀ GIÁM SÁT TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

09/04/2019

Sáng ngày 09/4, tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tổ chức Hội nghị “Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục” cho 24 tỉnh, thành phố với gần 80 đại biểu tham dự.

Dự hội nghị có ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; các Phó trưởng Ban Ban Công tác đại biểu: ông Nguyễn Xuân Phương, ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Giáo dục liên quan trực tiếp đến mỗi gia đình, mỗi người dân luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Phát triển giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Đây là nội dung có vị trí rất quan trọng trong chương trình nghị sự của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học. Còn Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội xem xét qua hai kỳ họp, nhưng do tính chất đặc biệt quan trọng sẽ tiếp tục được thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. 

Hội nghị “Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục” 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Xuân Phương - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, cho biết: Hội nghị nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức, kỹ năng liên quan đến một số vấn đề trọng tâm thuộc lĩnh vực giáo dục được quan tâm nhiều trong quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và trong quá trình lấy ý kiến nhân dân đầu năm 2019. Qua đó, hội nghị nhằm hỗ trợ đại biểu dân cử phân tích, xây dựng chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục. Tại hội nghị này, Ban Công tác đại biểu đã chỉ đạo xây dựng chương trình với những nội dung lớn:

Thứ nhất, tổng quan một số vấn đề về giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và quá trình lấy ‎ý kiến nhân dân. Cụ thể như: Hệ thống giáo dục quốc dân; liên thông và phân luồng trong giáo dục; chính sách cử tuyển, trường chuyên, trường chất lượng cao…; chính sách đối với nhà giáo như chuẩn đào tạo; tuyển dụng và phân công…

Thứ hai, phân tích và đánh giá tính hiệu quả, tính công bằng đối với chính sách tài chính chi cho chương trình giáo dục và sách giáo khoa nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có thể so sánh hiệu quả chi phí, tính công bằng của các phương án khác nhau.

Thứ ba, đánh giá các chính sách liên quan đến học phí; miễn, giảm học phí và chi phí cho phổ cập giáo dục phổ thông.

Thứ tư, phân tích các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực cho giáo dục trong thời kỳ hội nhận và phát triển. Trong đó, tập trung vào chi phí để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho giáo dục mầm non – lương giáo viên, các chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm. 

Thứ năm, nội dung, tiêu chí, cách thức giám sát của Quốc hội, HĐND đối với việc chi tiêu công cho giáo dục như: Giám sát cơ cấu chi tiêu công giữa các bậc học; cơ cấu chi ngân sách hàng năm cho giáo dục v.v…

Sau phần trình bày của báo cáo viên, mỗi chuyên đề đều có phần thảo luận toàn thể hoặc thực hành theo nhóm. Báo cáo viên của hội nghị là những người có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực giáo dục, đồng thời có nhiều kinh nghiệm về hoạt động lập pháp, giám sát của Quốc hội, HĐND. Hội nghị này sẽ diễn ra 2,5 ngày từ ngày 09 - 11/4/2019./.

Hải Điệp