BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO CÁC CUỘC BẦU CỬ TRONG DỊCH COVID-19

13/05/2021

Nhằm ứng phó linh hoạt trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND phải thực hiện cách ly y tế, khó có thể thực hiện quyền vận động như các ứng cử viên khác trong đơn vị bầu cử, nhưng có thể vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến...

 

Nhằm ứng phó linh hoạt trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND phải thực hiện cách ly y tế, khó có thể thực hiện quyền vận động như các ứng cử viên khác trong đơn vị bầu cử, nhưng có thể vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin rõ hơn về vấn đề này.


Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

 

Thưa bà, đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải thực hiện cách ly y tế, liệu có phương án nào để họ có thể thực hiện quyền vận động bầu cử?

Ngày 4/5/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã ban hành văn bản số 61/HD-MTTW-BTT để Hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đối với các ứng cử viên đang thực hiện cách ly, thì một số phương án được áp dụng để bảo đảm quyền vận động bầu cử của ứng cử viên.  

Thứ nhất, có thể áp dụng công nghệ thông tin để kết nối và phát trực tiếp chương trình hành động của các ứng cử viên đang thực hiện cách ly tại Hội nghị tiếp xúc cử tri đang được tổ chức cho các ứng cử viên khác.  

Thứ hai, ứng cử viên có thể ủy quyền cho một đại diện của Ủy ban MTTQ hoặc một thành viên của Ủy ban bầu cử thay mặt mình để trình bày trực tiếp chương trình hành động tại Hội nghị tiếp xúc cử tri đang được tổ chức cho các ứng cử viên khác. Giải pháp này đã được một số địa phương áp dụng, ví dụ như sáng ngày 12/5/2021, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Quân đoàn 1 do Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Ninh Bình tổ chức, có 1 ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có tiếp xúc với F2 nên đại diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Ninh Bình đã thay mặt ứng cử viên đó để trình bày chương trình hành động.      

Việc thay đổi hình thức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trực tuyến - xét về tính pháp lý có vấn đề gì không? Và liệu có giảm đi tính hiệu quả, thưa bà?

Việc vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến là một giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nước ta. Hình thức này không bị ảnh hưởng bởi các quy định pháp lý về vận động bầu cử của ứng cử viên cũng như hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri được quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.      

Một trong những điểm nổi bật của kỳ bầu cử này là công tác chuẩn bị bầu cử tiến hành trong lúc dịch bệnh, do vậy không chỉ riêng đối với hoạt động vận động bầu cử mà có nhiều nội dung khác cũng được hướng dẫn để phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ như việc tổ chức hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú được xem xét và cho phép tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngày 5/2/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản số 49/HD-MTTW-BTT hướng dẫn tổ chức các hội nghị hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương có COVID-19. Theo đó, có hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị trực tuyến đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội.

Theo tôi, dù với hình thức nào khi các tổ chức phụ trách bầu cử làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân và cử tri quan tâm đến cuộc bầu cử, đến các ứng cử viên thì hiệu quả của hoạt động vận động bầu cử trực tuyến không bị giảm sút, thậm chí còn có tác dụng tích cực vì có khả năng lan tỏa đến nhiều đối tượng cử tri.  


Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bầu cử và không để dịch bệnh ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng của bầu cử và do bầu cử làm lây lan dịch bệnh. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Thưa bà, trường hợp nếu các thành viên Tổ bầu cử ở địa phương đang thực hiện cách ly thì Hội đồng bầu cử Quốc gia có hướng dẫn thế nào để công tác bầu cử không bị gián đoạn?

Để công tác bầu cử không bị gián đoạn, thông suốt, trong trường hợp các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử đang thực hiện cách ly thì Ủy ban bầu cử các cấp rà soát, bổ sung, thay thế thành viên để vừa bảo đảm đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu cử công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử mới được bổ sung, nhất là thành viên các tổ bầu cử, có cơ chế, phương án sẵn sàng huy động, trưng tập thêm số nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.  

Tất cả các tình huống khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia dự tính. Ngày 13/4/2021, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh.

Theo đó, các tổ chức phụ trách bầu cử và Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi cách ly và nơi cư tri đăng ký bỏ phiếu cần có sự liên thông, phối hợp với nhau và xác định thời điểm hoàn thành cách ly với thời điểm tiến hành bỏ phiếu để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm quyền bầu cử của cử tri. 

Cho đến thời điểm này, có bao nhiêu địa phương, cơ quan trung ương đã xây dựng xong kịch bản nhằm triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19, thưa bà?

Ngay từ những ngày đầu triển khai công tác bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia, các cơ quan ở trung ương và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương luôn chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc kết hợp lĩnh vực y tế với an ninh trật tự để thành lập Tiểu ban An ninh trật tự và y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia và tại các ủy ban bầu cử các cấp là một hoạt động cụ thể để thể hiện sự chủ động trong công tác phòng chống dịch.  

Thông qua giám sát bầu cử, cho thấy các kịch bản trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19 đã được thực hiện. Từ công tác hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, hoạt động vận động bầu cử, công tác lập và niêm yết danh sách cử tri… Đối với ngày diễn ra cuộc bầu cử, các hoạt động cụ thể như đo thân nhiệt, phân luồng lối đi, thực hiện giãn cách… đã và đang được Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm ưu tiên trước hết là sức khỏe của nhân dân, của cử tri, của các thành viên phục vụ bầu cử.  

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(Theo TTXVN)

Các bài viết khác