Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã có nhiều tin, bài phản ánh về sự việc “bắt vợ” diễn ra tại một số địa bàn tỉnh miền núi phía Bắc. Sự việc nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tháng 2/2022, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá về tục “bắt vợ”. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, tại nhiều nơi, đặc biệt là ở tỉnh Lai Châu, tục “bắt vợ” đã từ lâu không còn nữa trong cộng đồng đồng bào người Mông, người Dao (có nơi hơn 20 năm nay không xảy ra vụ việc nào). Tuy nhiên, tại tỉnh Lào Cai thì vẫn còn xảy ra tại một số địa phương và các trường hợp xảy ra.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả về công tác văn hoá nói chung, công tác xây dựng đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và ở cơ sở nói riêng, thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Ngành văn hoá ở cơ sở thường xuyên, chủ động tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án, dự án nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển bền vững của đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường và nếp sống văn hoá tiến bộ trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nếp sống văn hóa, bại trừ hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn bám sát và lồng ghép triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào các hoạt động chuyên môn thực tế triển khai tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn cả nước về vấn đề bảo tồn và phát huy có chọn lọc các giá trị, đặc biệt là việc nhận diện các giá trị văn hóa truyền thống để giữ gìn, đồng thời bài trừ, loại bỏ những tập tục không còn phù hợp trong văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Qua công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc nói chung, chính sách về văn hoá dân tộc nói riêng đã có những tác động tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trên thực tế vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, bị biến tướng, hiểu sai hoặc trái với phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó có thể kể đến hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ”, “bắt vợ” xảy ra tại một số địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của đồng bào dân tộc thiểu số là một phong tục cổ truyền có tinh nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là phong tục tập quán có ý nghĩa tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi. Tuy nhiên gần đây, hiện tượng “kéo vợ” chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như: lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái…Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với các phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Quang cảnh Tọa đàm “Việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số".
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo Ngành văn hoá tại các địa phương triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, những hiện tượng phản cảm, phong tục tập quán không còn phù hợp với văn hoá truyền thống tốt đẹp trong đời sống hiện nay của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngành Văn hoá tại các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung, như: Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam; thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống, các hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hoá dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn…
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy kiến nghị, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác dân tộc về những nội dung liên quan đến văn hoá; hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ…Đông thời yêu cầu, các địa phương chỉ đạo ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trọng tâm đưa vào hương ước, quy ước tại cơ sở nhằm hạn chế, xoá bỏ các hủ tục, trong đó có hủ tục “bắt vợ”./.