Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam”.
Dự Hội thảo còn có các đồng chí đại biểu Quốc hội, nguyên lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội, văn phòng Đoàn ĐBQH một số địa phương.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ năm 2023 2023 “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng” do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ nhiệm Đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ cho biết, nội dung của Đề tài cấp Bộ là một trong những nhánh triển khai chuyên đề 11 của Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân và đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ luôn được sự quan tâm. Cùng với sự đổi mới của đất nước, hơn 80 năm qua Quốc hội Việt Nam từng bước đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào thành công chung của đất nước.
Trước yêu cầu khách quan và đổi mới của đất nước trong giai đoạn mới, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc đổi mới hoạt động của Quốc hội là yêu cầu khách quan.
Trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu Đề tài cấp Bộ “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng”, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh tin tưởng, những ý kiến phát biểu tại Hội thảo là thông tin tư liệu quan trọng là cơ sở để Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ trong việc định hướng hoàn thiện đề tài khoa học.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã nêu thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam; phân tích, đánh giá quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ năm 1991 đến nay; thực trạng, phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải pháp đổi mới cơ sở bầu cử đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; giải pháp nâng cao chất lượng các điều kiện đảm bảo hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH và cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH; giải pháp hoàn thiện vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại diện, số lượng của đại biểu Quốc hội; vai trò, vị trí của Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký, phương hướng hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến phát biểu tại Hội thảo.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều quan điểm, chủ trương được nêu trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cùng với cơ chế giới thiệu, bầu những người có đức, có tài, có trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị tốt tham gia Quốc hội, nhằm xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Quan tâm tới những đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, PGS.TS Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đối với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặc thù riêng, bởi các cơ quan này hoạt động liên tục như một dòng chảy, không bị giới hạn bởi thời gian, không có nhiệm kỳ như Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Theo PGS.TS Bùi Ngọc Thanh, việc nâng tầm chất lượng hoạt động của các đơn vị, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu: Trình độ tổ chức công việc và chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tư duy của cán bộ trực tiếp thực thi công việc.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề xuất một số giải pháp đổi mới cơ sở bầu cử đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành được coi là khá hoàn thiện. Tuy nhiên, để lựa chọn những người thực sự chất lượng để ứng cử ĐBQH, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các hướng dẫn liên quan; sửa đổi, bổ sung về việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử.
Về tổ chức ngày bầu cử, TS. Nguyễn Văn Pha cho rằng, để giúp cử tri có điều kiện tốt nhất trong việc lựa chọn những người xứng đáng nhất bầu làm ĐBQH, không nên gộp bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND trong một ngày như hiện nay mà nên tách thành hai cuộc. Trong đó, cuộc bầu cử ĐBQH được tổ chức trước, vẫn vào ngày Chủ nhật như quy định và cuộc bầu cử HĐND các cấp sẽ được tổ chức liền vào ngày Chủ nhật kế tiếp. Việc tổ chức bầu cử theo hình thức này vẫn đạt được mục đích đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và đạt được mục đích tiết kiệm, bởi vẫn sử dụng bộ máy các tổ chức phụ trách bầu cử, cơ sở vật chất cho bầu cử từ cuộc bầu cử ĐBQH.
TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Cũng tại Hội thảo, một số ý kiến nêu một số giải pháp nâng cao chất lượng các điều kiện đảm bảo hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong đó cần có cơ chế sử dụng chuyên gia, cộng tác viên có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu về các lĩnh vực tham gia vào công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng được tiêu chí về điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho đại biểu Quốc hội hoạt động…
Để tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu dự hội thảo cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH; Quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia các hoạt động thuộc Chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH mà mình đã thảo luận và đồng ý thông qua; Quy định rõ hơn về mối quan hệ công tác giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở địa phương; Có giải pháp đảm bảo tính ổn định về số lượng ĐBQH của mỗi Đoàn ĐBQH…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đánh giá cao các ý kiến phát biểu, trong đó đã nêu thực trạng, gợi mở nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cần lấy đại biểu Quốc hội làm trung tâm, trong đó tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; đảm bảo các điều kiện cho đại biểu Quốc hội hoạt động…
Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ tiếp thu ý làm cơ sở hoàn thiện Đề án; đồng thời mong muốn các đại biểu, chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến vào các nội dung của Đề tài cấp Bộ.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phát biểu khai mạc Hội thảo.
PGS.TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam phát biểu tham luận.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường
Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tám phát biểu
Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội Đỗ Thúy Bình phát biểu tại Hội thảo.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phát biểu kết thúc hội thảo.