Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm cho triển khai sớm các dự án: Nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 49B; Xây mới đường ven biển theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đơn vị xử lý: Bộ giao thông - vận tải
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, là khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; hằng năm phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai bão, lũ. Chính phủ đã có Quyết định số 1955/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”. Tuy nhiên, khả năng huy động các nguồn đầu tư còn hạn chế, mức độ xã hội hóa các lĩnh vực chưa cao; Chính phủ vẫn chưa có một nguồn lực riêng để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, những chương trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt. Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ ngành ưu tiên bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để triển khai thực hiện Đề án; nhất là các dự án phòng tránh giảm nhẹ thiên tai như hạ tầng tái định cư, di dân vùng sạt lở; xây dựng các đường cứu hộ, cứu nạn; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển sản xuất đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đơn vị xử lý: Bộ kế hoạch và đầu tư
Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006. Đến nay, công tác quy hoạch đã được phê duyệt; kết cấu hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu phục vụ các dự án đầu tư. Vì vậy, cử tri kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm: - Tạo điều kiện cho tỉnh thu hút các dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô. - Chỉ đạo Tập đoàn Vinashin sớm triển khai xây dựng bến số 2, Cảng Chân Mây. Vì hiện nay lưu lượng hàng qua cảng đã hơn 1,7 triệu tấn hàng hóa/năm (công suất thiết kế bến số 1 chỉ là 1 triệu tấn/năm) và số lượng du khách quốc tế tăng rất nhanh qua các năm (hơn 65.000 khách du lịch quốc tế/năm) - Ưu tiên tìm nguồn vốn ODA cho dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây
Hiện nay, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý các khu kinh tế được quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn do sự bất cập, chồng chéo của các văn bản có liên quan. Cụ thể: - Không có sự thống nhất trong chính sách ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư năm 2005; Nghị định 29/2008/NĐ-CP và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008. Theo Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì việc ưu đãi cho nhà đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư (kể cả dự án đầu tư mở rộng) thuộc danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư (Khu kinh tế thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), không quy định rõ về pháp nhân của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 lại chỉ cho phép ưu đãi đối với doanh nghiệp thành lập pháp nhân mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. - Theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Ban Quản lý khu kinh tế là cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.... của các tổ chức, cá nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ ra đời thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện. Như vậy, Ban Quản lý khu kinh tế không có chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dẫn đến trên địa bàn khu kinh tế tồn tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do hai cơ quan cấp và sẽ có hai cơ quan thực hiện công tác hậu kiểm và quản lý hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, gây ra chồng chéo và khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, để khắc phục các chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản dưới luật có liên quan đến khu kinh tế; cử tri đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế ven biển thay thế Nghị định 29. Trước mắt kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khi ban hành các văn bản pháp luật cần nêu rõ “với các Khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ thành lập thì thực hiện theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế”.
Trong thời gian qua, tình hình biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước cần có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia.
Đơn vị xử lý: Bộ ngoại giao
Hiện nay, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật (Thông tư) còn bất cập. Hầu hết các nghị định của Chính phủ khi ban hành dù đã cụ thể, chi tiết nhưng cơ quan hữu quan vẫn chờ thông tư hướng dẫn, dẫn đến việc áp dụng và thực thi các chính sách pháp luật chậm. Mặt khác, còn nhiều thông tư của các Bộ, ngành có nội dung quy định theo hướng có lợi cho sự quản lý của ngành mình. Cử tri đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành hạn chế tối đa việc ban hành thông tư. Các Bộ, ngành khi tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định cần quy định luôn các nội dung chi tiết, để khi ban hành nghị định sẽ được áp dụng, thực hiện ngay.
Đơn vị xử lý: Bộ tư pháp
Hiện nay, các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực biển, hải đảo, đầm phá đang gặp nhiều khó khăn, do đây là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn chưa nhiều; kinh phí đầu tư cho công tác điều tra, khảo sát, đo đạc xác lập bản đồ, cơ sở dữ liệu, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ thông tin… chưa đảm bảo nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Đơn vị xử lý: Bộ tài nguyên và môi trường
Trong thời gian qua, tình hình động vật, thực vật, hàng hoá nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nhiều mặt hàng (trái cây, đồ chơi trẻ em, các chất phụ gia, thịt gia súc, gia cầm…) đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước; vì vậy cử tri đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành vi bao che, dung túng của cán bộ khi thi hành công vụ. Lập hàng rào kỹ thuật đối với việc nhập khẩu thực phẩm vào nước ta để bảo vệ người sản xuất nông nghiệp trong nước.
Đơn vị xử lý: Bộ công thương
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét trách nhiệm của Giám đốc công an thành phố Hải Phòng trong vụ việc Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, nếu có vi phạm thì cần xử lý nghiêm minh, công khai cho cử tri biết. Đề nghị xử lý nghiêm khắc đối tượng phạm tội, đồng thời tăng cường biện pháp giáo dục về ý thức pháp luật cho mọi người đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đơn vị xử lý: Bộ công an
Để thực hiện BHYT toàn dân, đề nghị mở rộng thêm danh mục thuốc, để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người tham gia BHYT, đồng thời ngành BHYT nên có tổ chức khám định kỳ đại trà 6 tháng /lần.
Đơn vị xử lý: Bộ y tế