Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô phản ánh: công nghiệp sản xuất phụ tùng thiếu và yếu; Thị trường ô tô trong nước quy mô nhỏ, phát triển manh mún, phân tán; chưa có định hướng chính sách phát triển rõ ràng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan, dẫn đến bất cập giữa chính sách và việc thực thi các biện pháp quản lý; chính sách thuế, phí liên tục thay đổi hàng năm, xu hướng ngày càng tăng đã gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn kế hoạch SXKD của doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư sản xuất một dòng xe chủ lực, ưu tiên để có thể tập trung cũng như phối hợp các nguồn lực của doanh nghiệp và Nhà nước để nhanh chóng đạt sản lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán, để sản phẩm xe sản xuất trong nước cạnh tranh hiệu quả với xe nhập khẩu. Đề nghị Chính phủ khi ban hành chính sách mới cần lấy ý kiến các doanh nghiệp để xây dựng được chính sách phù hợp, khả thi, đảm bảo duy trì môi trường đầu tư ổn định lâu dài trong thời gian tối thiểu 10 – 15 năm, nhất là các chính sách về thuế, phí.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Vĩnh Phúc   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Công nghiệp   

Trả lời:

Tại công văn số 7758/BCT-KH ngày 28/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư sản xuất một dòng xe chủ lực

Việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong những năm vừa qua luôn được Nhà nước hết sức quan tâm. Xác định đây là một ngành công nghiệp còn non trẻ, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế, trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung và phát triển ngành sản xuất ôtô trong nước nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 và Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch, ngành công nghiệp ô tô cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ chưa được chú trọng đúng mức, tỷ lệ giá trị nội địa của ô tô sản xuất trong nước rất thấp. Vì vậy, để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương lập lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Thông báo số 5047/VPCP-KTN ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ). Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn tất bản Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Dự thảo đã chỉ rõ sự cần thiết phải lựa chọn dòng xe chủ lực trong định hướng phát triển giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các tiêu chí lựa chọn dòng xe chủ lực nhằm ưu tiên tập trung đầu tư, cũng như phối hợp các nguồn lực của doanh nghiệp và Nhà nước để nhanh chóng phát triển dòng xe chủ lực với quy mô lớn, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán, để sản phẩm xe sản xuất trong nước cạnh tranh hiệu quả với xe nhập khẩu.

Các tiêu chí lựa chọn dòng xe chủ lực trong nội dung bản Dự thảo Quy hoạch như sau:

- Tiết kiệm năng lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.

- Có nhu cầu lớn trong giai đoạn trước mắt cũng như trong dài hạn thuộc dòng xe dưới 9 chỗ với dung tích động cơ

- Sản xuất quy mô lớn ≥ 30.000 xe đến năm 2015 và ≥ 100.000 xe năm 2020.

- Có khả năng cạnh tranh trong hội nhập khu vực và thế giới (có khả năng xuất khẩu để dần dần cân bằng ngoại tệ).

- Có tỷ lệ giá trị nội địa  ≥ 40% tính theo thông lệ thế giới.

- Tiêu chuẩn khí thải EURO 4 trở lên.

2. Về chính sách phát triển ngành

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể phát triển được trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay, cần có chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định trong một thời gian dài. Vì vậy, trong Dự thảo Quy hoạch nêu trên, hệ thống chính sách (Chính sách thuế nhập khẩu; chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; Chính sách phí, lệ phí trước bạ; Chính sách về đầu tư...) được xây dựng với mục tiêu kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất, thông qua việc giảm thuế, phí và phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này kèm theo chính sách áp dụng nhất quán, dài hạn (tối thiểu 10 năm) cho ngành công nghiệp ô tô, phù hợp với xu thế hội nhập, nhằm tạo sự tin tưởng đối với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, tạo ra nhu cầu tiêu dùng ổn định, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.

Trong quá trình xây dựng “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi công khai thông qua hội thảo và bằng văn bản.

Gần đây nhất, ngày 22 tháng 8 năm 2013, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành và đại diện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến nhằm lấy ý kiến lần cuối cho bản Dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Các câu hỏi cùng địa phương: