Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, trên cơ sở Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn chính sách lãi suất và chính sách tín dụng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng như Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Thống đốc NHNN hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 41, Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Thống đốc NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận... Các văn bản quy định có tính nguyên tắc và hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện được duy trì ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thị trường tiền tệ có diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng để ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Theo đó, có một số văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật nhưng được xem xét, điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng thời điểm, như các Thông tư quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD, quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn tối bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên...; hoặc các công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực không khuyến khích, thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của Ngân hàng Nhà nước..., các văn bản này được xem xét ban hành và áp dụng trong các thời kỳ cụ thể, phù hợp với tình thực tế và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Trong qua trình triển khai thi hành các văn bản nêu trên, khi Ngân hàng Nhà nước nhận được các văn bản của các tổ chức tín dụng đề nghị giải đáp vướng mắc về quan điểm và cách hiểu nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đều có văn bản trả lời cụ thể, dưới hình thức văn bản hành chính gửi các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng có cách hiểu chung, thống nhất, đảm bảo việc áp dụng thống nhất các quy định pháp luật.