Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Một trong những vướng mắc khó giải quyết trong các giao dịch liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, vì hiện nay khái niệm hộ gia đình giữa các văn bản pháp luật chưa có tính thống nhất (Điều 106, 107 BLDS, Điều 43 Nghị định 181/2004/NĐ-CP) và chưa có quy định cụ thể nào để xác định chính xác số nhân khẩu trong một hộ gia đình. Hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng thường căn cứ vào sổ hộ khẩu để xác định số nhân khẩu trong hộ, điều này sẽ phát sinh một số bất cập như: người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không phải là chủ hộ trong sổ hộ khẩu; có trường hợp tách nhập hộ khẩu mới để đăng ký kinh doanh, đăng ký điện... hoặc người có chung hộ khẩu chết thì phát sinh thừa kế theo luật sẽ khó xác định chính xác khối tài sản mà người đó để lại... Kiến nghị cần có khái niệm chung, thống nhất về hộ gia đình trong các văn bản pháp luật

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Tây Ninh   

Đơn vị xử lý: Bộ tư pháp   

Lĩnh vực: Bộ tư pháp   

Trả lời:

Tại công văn số 6765/BTP-VP ngày 16/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Bộ Tư pháp nhận thấy ý kiến của cử tri về vấn đề nêu trên là hoàn toàn xác đáng, phản ánh đúng thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 trong thời gian qua.

Hiện nay, theo quy định của BLDS hiện hành, hộ gia đình là một chủ thể trong các quan hệ dân sự khi các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Quy định như vậy sẽ phù hợp khi đặt hộ gia đình trong trạng thái “tĩnh”. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống gia đình và các quan hệ xã hội trong gia đình luôn ở trạng thái “động”, luôn có sự thay đổi, biến động về các thành viên gia đình (chịu tác động bởi các sự kiện sinh, ly, tử, biệt, tách, nhập…), dẫn tới nhiều quy định về hộ gia đình, đặc biệt về chủ thể là không rõ ràng, tính khả thi còn thấp, từ đó việc xây dựng văn bản hướng dẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, để khắc phục tình trạng này, cần sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự…

Trên thực tế, hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra khái niệm về “hộ gia đình sử dụng đất” như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế quyền sử dụng đất” (khoản 29 Điều 3 dự thảo Luật Đất đai).

Đồng thời, để giải quyết những bất cập, hạn chế trong thực tiễn về hộ gia đình, trong xây dựng BLDS (sửa đổi), vấn đề địa vị pháp lý của hộ gia đình, với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, cũng đang được xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng BLDS (sửa đổi) không tiếp tục ghi nhận hộ gia đình với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự mà thay vào đó, được điều chỉnh bằng chế định khác trong BLDS phù hợp với bản chất pháp lý của chúng, như: điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các chế định khác có liên quan.

Tuy nhiên, việc BLDS tiếp tục quy định hay không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự có tác động to lớn, không chỉ thuần túy về mặt học thuật mà còn trên cả phương diện chính trị, xã hội. Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ soạn thảo BLDS (sửa đổi), đồng thời là cơ quan phối hợp trong quá trình xây dựng, sửa đổi các dự án luật có liên quan sẽ nghiêm túc nghiên cứu để tìm ra cơ sở vững chắc hơn nữa về vấn đề này trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: