Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước ở trung ương;  giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; tăng thêm nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội tại kỳ họp mà cử tri quan tâm, bức xúc

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Nghệ An    Lâm Đồng    An Giang    Phú Yên    TP Hồ Chí Minh   

Đơn vị xử lý: Văn phòng Quốc hội   

Lĩnh vực: Văn phòng Quốc hội   

Trả lời:

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động điều hành của các cơ quan hành pháp:

Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước thông qua các hình thức: xem xét các báo cáo của các cơ quan, cá nhân; giám sát chuyên đề; tiến hành hoạt động chất vấn; xem xét báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước. Hoạt động giám sát đã tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp... Qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập; đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do nguồn lực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có hạn trong khi yêu cầu thực tế cuộc sống rất cao nên hoạt động giám sát còn chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu đổi mới cách thức, quy trình thủ tục giám sát và tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát. Thực hiện Nghị quyết nêu trên trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề, tăng cường đối thoại, tranh luận; nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ kết quả phiên chất vấn, yêu cầu đặt ra đối với người trả lời chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn và cơ quan, tổ chức hữu quan; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật; trách nhiệm của người trả lời chất vấn thực hiện lời hứa trước Quốc hội và việc giám sát thực hiện. Hàng năm, tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách; tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát chuyên đề; trong đó, giám sát chuyên đề là hình thức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước khá thiết thực thông qua việc xem xét các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội; các chuyên đề được lựa chọn trên cơ sở xin ý kiến rộng rãi của các Đoàn đại biểu Quốc hội và nhiều cơ quan hữu quan.

2. Về tăng cường giám sát chuyên đề của Quốc hội tại kỳ họp đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc

Thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm, tăng cường hoạt động giám sát và đã đạt được những kết quả tích cực. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp; trong đó, có những nội dung đã được quý Đoàn đề cập. Cụ thể: Quốc hội đã tiến hành giám sát các chuyên đề, như: Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ khi Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực đến hết quý I năm 2004 (năm 2004); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 (năm 2008); Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (năm 2009); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (năm 2012); Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai (năm 2012); Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 (năm 2013); Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sátKết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ năm 2001 đến nay” (năm 2005); Việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo (năm 2008); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (năm 2011); Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (năm 2013).

Căn cứ vào tình hình thực tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08-11-2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 08-11-2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, giao nhiệm vụ cho Chính phủ “Tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, yêu cầu Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện để đưa ra các quyết sách phù hợp, kịp thời.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó bao gồm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (Báo cáo số 110/BC-CP ngày 17-5-2012). Tiếp theo đó, ngày 17 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011, Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 – 2015 (Báo cáo số 336/BC-CP ngày 16-11-2012); báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, trong đó có việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (Báo cáo số 338/BC-CP ngày 20-11-2012).

Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 8-2012), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong mối tương quan với an toàn hệ thống và với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (Bao gồm cả đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước) và chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra. Đồng thời, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã tổ chức làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp về tình hình phá sản, ngừng hoạt động, giải thể của các doanh nghiệp.

Đặc biệt là, theo chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Qua đó cho thấy, các cơ quan của Quốc hội đã hết sức nỗ lực để thực hiện các hoạt động giám sát về những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống. Tuy nhiên, do nguồn lực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có hạn, hoạt động giám sát mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của cử tri và thực tế cuộc sống. Thông thường hàng năm, Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội thường chỉ tiến hành giám sát được khoảng 4-5 chuyên đề; các nội dung bức xúc còn lại, Văn phòng Quốc hội tiến hành tổng hợp và chuyển đến Hội đồng, Ủy ban xem xét, đưa vào chương trình hoạt động giám sát của cơ quan mình theo lĩnh vực phụ trách; theo năng lực thực tế và đảm bảo yêu cầu điều hòa, phối hợp chung, mỗi cơ quan cũng chỉ tiến hành được 1-2 chuyên đề/năm. Trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động này để đáp ứng sự quan tâm và mong muốn của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội.

3. Về tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát

Hoạt động chất vấn và giám sát theo chuyên đề đã đạt được kết quả rất tích cực, lựa chọn đúng những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống, được dư luận, cử tri đánh giá cao. Kết quả giám sát đã giúp Quốc hội đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra yếu kém, hạn chế, kiến nghị các giải pháp khắc phục, những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Sau hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có những nghị quyết để thể hiện thái độ của Quốc hội đối với vấn đề được giám sát, làm cơ sở để các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế là do yêu cầu nhiệm vụ về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng là rất nặng nề, khối lượng công việc rất lớn; các điều kiện về bộ máy, quỹ thời gian, điều kiện bảo đảm… còn chưa đáp ứng được nhu cầu; việc theo dõi, tổng hợp về việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm của nhiều cơ quan chịu sự giám sát thực hiện chưa cao… Đây là những vấn đề lớn về hoạt động giám sát đã được nhiều cơ quan chỉ ra khi tổng kết hoạt động giám sát. Thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Luật hoạt động giám sát; Văn phòng Quốc hội sẽ tham mưu để tiếp thu khi xây dựng báo cáo tổng kết và đề xuất những nội dung liên quan khi sửa đổi Luật, tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan nhằm khắc phục hạn chế nêu trên.

Về phía Văn phòng Quốc hội, sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý cho thành lập Vụ phục vụ hoạt động giám sát, thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ chỉ đạo tăng cường hơn nữa hoạt động này, tham mưu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc theo dõi, có báo cáo tổng hợp về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau hoạt động giám sát để trình Quốc hội xem xét.

4. Về tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật của một số ngành, địa phương

Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đã quan tâm, tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp... Qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập; đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Hoạt động giám sát được tiến hành theo hướng tập trung giám sát tại các cơ quan trung ương, nơi ban hành các chính sách, pháp luật; kết hợp hài hòa với giám sát và khảo sát tại địa phương, cơ sở, nơi thụ hưởng các chính sách, pháp luật. Việc giám sát tại địa phương, cơ sở nhằm thu thập thông tin từ thực tế, phục vụ việc đánh giá chính sách và thực thi pháp luật mà không đi sâu đánh giá đúng sai, phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của địa phương; mặt khác, nếu tiến hành giám sát quá nhiều tại địa phương cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, do nguồn lực của các cơ quan của Quốc hội có hạn trong khi lĩnh vực, phạm vi, đối tượng giám sát lại rất rộng nên chưa thể tiến hành giám sát đồng thời được tất cả các địa phương.

Vì vậy, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với Hội đồng nhân dân để giám sát việc triển khai luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và những vấn đề nổi lên tại địa phương, báo cáo kết quả với Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Có như vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội mới đảm bảo đồng bộ, phát huy được chất lượng, hiệu quả.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: