1. Về kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế
Nhu cầu đầu tư cho y tế lớn, yêu cầu của nhân dân ngày càng cao trong khi nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế. Chính sách viện phí và cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế đã có những bước đổi mới nhưng chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường; việc triển khai BHYT còn gặp nhiều khó khăn; Do vậy chủ trương tăng giá viện phí và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trong những năm qua, ngành y tế đã được quan tâm đầu tư của Chính phủ qua rất nhiều nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA, và các nguồn khác,… Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Đề án 225, Đề án 47, Đề án 930 của Chính phủ. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng, bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại. Công tác đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế cũng được quan tâm. Các dự án xây dựng cải tạo bệnh viện đã hoàn thành hoặc hoàn thành hạng mục đưa vào sử dụng hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị 1792/CT-TTg việc đầu tư gặp phải nhiều khó khăn; Một số dự án phải giãn, hoãn, tiến độ; một số dự án phải tạm dừng để đầu tư sau năm 2015 hoặc phải chuyển đổi hình thức đầu tư. Cụ thể:
- Thành phố Đà Nẵng được đầu tư vốn TPCP giai đoạn 2008-2011: 175 tỷ đồng/tổng mức dự kiến hỗ trợ 351,2 tỷ đồng; giai đoạn 2012-2015 được giao 553 tỷ đồng (trong đó có bổ sung danh mục hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện Ung thư Đà nẵng là 221,9 tỷ đồng).
- Tỉnh Nghệ An được bố trí nguồn vốn TPCP giai đoạn 2008-2011: 570 tỷ đồng /tổng mức dự kiến hỗ trợ 1.169 tỷ đồng; giai đoạn 2012-2015 được tiếp tục giao 400,8 tỷ đồng.
Đối với những nhu cầu còn lại của các địa phương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để bổ sung vào giai đoạn sau năm 2015, mặt khác cũng đề nghị các tỉnh chủ động bố trí bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
2. Về kiến nghị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Để cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã và đang tiến hành hàng loạt các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như sau:
a. Các giải pháp và hoạt động mang tính cấp bách ngắn hạn:
- Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh Trung ương, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện cần huy động mọi nguồn lực tối đa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó ưu tiên nâng cao các vấn đề không đòi hỏi nhiều về nguồn lực như nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, quy tắc ứng xử, y đức. Chỉ thị 05/CT-BYT cũng đã đưa ra những chỉ đạo, đặc biệt đối với những bệnh viện đã triển khai áp dụng khung giá viện phí mới:
+ Công khai giá dịch vụ y tế tại khu vực dễ quan sát, dễ đọc;
+ Giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến giá dịch vụ y tế mới;
+ Bố trí buồng khám, quầy phát thuốc, nơi thu viện phí để phù hợp với số người bệnh đến khám và giảm tối đa thời gian chờ của người bệnh;
+ Tăng ghế ngồi chờ, tăng bàn khám, tăng cường bác sỹ khám bệnh cho khoa khám bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi;
+ Cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế; ứng dụng phát số khám tự động, bảng số điện tử. (để giảm phiền hà, Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng lại quy trình khám chữa bệnh, đặc biệt tại khoa khám bệnh để cải tiến thủ tục, giảm các chữ ký, chứng nhận, khâu đóng tiền… giúp người bệnh khám bệnh thuận tiện, nhanh chóng. Quy trình khám chữa bệnh đang được xin ý kiến các bệnh viện và các đơn vị có liên quan, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2013);Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc. (Khi các bệnh viện áp dụng CNTT sẽ không xảy ra tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng công nghệ cao, kê thuốc biệt dược... do các đơn thuốc được kiểm soát thuận tiện hơn, chặt chẽ hơn).
Hiện nay, các bệnh viện cũng đang tập trung các nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo, mở rộng các Khoa khám bệnh và buồng bệnh và mua bổ sung, thay thế bàn, ghế, giường, tủ, dụng cụ khám bệnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, chăn, ga, gối, đệm, quần áo người bệnh v.v. Các bệnh viện cần hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép.
- Các bệnh viện đang thực hiện: thành lập tổ hướng dẫn người bệnh và người nhà, đảm bảo cấp cứu nhanh, kịp thời khi có người bệnh nặng, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; xây dựng khu nhà chờ, có ghế, có quạt cho người nhà và người bệnh.
- Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 01/2013/TT-BYT về hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai công tác kiểm chuẩn xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện có căn cứ để tin tưởng chất lượng xét nghiệm và công nhận kết quả của nhau, qua đó hạn chế một phần việc phải làm lại các xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho người dân. Mục đích của kiểm chuẩn và tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm để bảo đảm các xét nghiệm giống nhau tại các cơ sở khám chữa bệnh có kết quả tương tự với nhau, hay nói cách khác là sẽ bảo đảm được việc chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm, từ đó làm giảm việc phải làm lại các xét nghiệm trong trường hợp không thực sự cần thiết.
- Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện. Quyết định đã chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh, nhằm rút ngắn thời gian khám chữa bệnh trung bình của người bệnh tại khoa Khám bệnh của các bệnh viện.
b. Một số giải pháp dài hạn:
- Bộ Y tế đang xây dựng Chương trình hành động Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bao gồm xây dựng khung hành động 2013-2020; xác định ưu tiên nâng cao chất lượng và lộ trình – giải pháp thực hiện.
- Một hoạt động trọng tâm hiện nay hướng đến giải pháp mang tính lâu dài là Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện “Tiêu chí chất lượng bệnh viện”. Đây là công cụ đo lường chất lượng bệnh viện; là tiêu chí cụ thể để giúp bệnh viện nâng cao chất lượng, đồng thời là công cụ giám sát của các cơ quan quản lý và người dân. Các tiêu chí này sẽ khiến các bệnh viện phải có những hành động biến chuyển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh một cách mạnh mẽ, toàn diện, bền vững.