Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri phản ảnh, hiện nay, trong nước hàng hóa tồn kho rất nhiều, trong khi đó vẫn nhập khẩu những mặt hàng đó từ nước ngoài như sắt thép, muối, thức ăn chăn nuôi... Đề nghị Chính phủ xem xét lại vấn đề này.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: An Giang    Đà Nẵng    Tiền Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 7392/BCT-KH ngày 19/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp nhằm tìm kiếm đầu ra, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần giảm lượng hàng hóa tồn kho và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng, tuy trong nước đã sản xuất được nhưng ta vẫn nhập khẩu do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chất lượng và/hoặc số lượng, cụ thể là:

- Mặt hàng sắt thép

Đối với một số chủng loại thép, sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và còn dư thừa để phục vụ cho xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2013, nước ta xuất khẩu khoảng 1,23 triệu tấn sắt thép các loại, đạt kim ngạch khoảng 1,02 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng và 13,6% về trị giá so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn thì đây là kết quả đáng khích lệ của ngành thép trong thời gian qua.

Tuy nhiên vẫn còn một số chủng loại thép mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng nên phải sử dụng từ nguồn nhập khẩu để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước. Việt Nam hiện chỉ có lò luyện thép cán nguội, vẫn chưa có lò luyện thép cán nóng, do vậy toàn bộ thép cán nóng buộc phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất gia công.

Đối với những loại sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng và bảo vệ sản xuất trong nước. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Quy chuẩn Quốc gia về thép làm cốt bê-tông (QCVN 07:2011/BKHCN) nhằm quản lý chất lượng sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ trên thị trường. Việc áp dụng QCVN 07:2011/BKHCN sẽ làm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép xây dựng không hợp chuẩn, giá rẻ, không đảm bảo chất lượng công trình xây dựng

Về phía Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai thực hiện một số biện pháp:

+ Ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 23/2012/TT-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2012 quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với sản phẩm thép, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu một số sản phẩm thép để kinh doanh phải xin giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công Thương. Việc ban hành Thông tư này có mục đích nhằm quản lý số lượng doanh nghiệp và lượng thép được nhập khẩu cũng như nguồn gốc thép nhập khẩu.

+ Dự thảo Thông tư về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu.

            + Tăng cường kiểm tra C/O để tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, nhập khẩu hàng không đúng xuất xứ.

+ Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các doanh nghiệp để chuẩn xác thông tin về tồn kho, giá cả, lượng tiêu thụ…cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ thép để có chính sách phù hợp.

+ Tăng cường kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ tích trữ gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, lãng phí nguồn ngoại tệ và ảnh hưởng trực tiếp thị trường trong nước.

+ Thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu. Khuyến khích sử dụng máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

+ Nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

- Đối với mặt hàng muối

Theo các quy định hiện hành và các cam kết quốc tế, mặt hàng muối không thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (nghĩa là có 2 hình thức nhập khẩu gồm nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan). Cụ thể:

(i) Nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch thuế quan: Doanh nghiệp được nhập khẩu theo nhu cầu, không cần có giấy phép của Bộ Công Thương và chịu thuế ngoài hạn ngạch thuế quan (thuế suất thuế nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch là 50% và 60% tùy loại); thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan theo các quy định hiện hành.

(ii) Nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan: Theo cam kết của WTO và theo quy định Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Mức thuế trong hạn ngạch là 5% đối với muối nhập khẩu từ các nước ASEAN (có C/O form D) và 10-30% tùy loại đối với muối nhập khẩu từ các nước WTO.

Từ kinh nghiệm việc điều hành nhập khẩu muối các năm trước, năm 2013, sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 04/2013/TT-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2013 quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm 2013, theo đó công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2013 là 102.000 tấn bằng với năm 2012 (thực tế năm 2012 chỉ phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 53.000 tấn muối, chiếm  52% lượng hạn ngạch thuế quan công bố). Về số lượng thực tế và thời điểm cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2013 dựa trên ý kiến đánh giá cân đối cung cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về thời điểm cấp hạn ngạch thuế quan cấp sau vụ muối để tạo điều kiện cho diêm dân tiêu thụ muối.

Căn cứ tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố hàng năm, Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu muối cho các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng muối làm nguyên liệu phục vụ sản xuất trong lĩnh vực y tế trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế và lĩnh vực sản xuất hóa chất. Đây là hai lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nguồn nguyên liệu muối công nghiệp chất lượng cao mà hiện nay sản phẩm trong nước sản xuất chưa đáp ứng đủ yêu cầu cả về chất lượng và số lượng. Tính đến hết tháng 7 năm 2013, Bộ Công Thương mới chỉ cấp giấy phép nhập khẩu muối cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực y tế với số lượng khoảng hơn 1.000 tấn, chưa cấp giấy phép nhập khẩu muối cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu để sản xuất hóa chất và thực phẩm vẫn phải nhập khẩu một lượng muối lớn ngoài hạn ngạch thuế quan và chịu thuế suất thuế nhập khẩu cao (50% đối với muối tinh khiết, 60% đối với muối công nghiệp) để phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Để hạn chế việc nhập khẩu muối tạo điều kiện cho diêm dân tiêu thụ muối trong nước, hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực tham gia ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư thay thế  Thông tư số 60/2011/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2011 và Thông tư số 68/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 10 năm 2011 hướng dẫn thủ tục kiểm tra về chất lượng muối nhập khẩu để kiểm soát chất lượng muối nhập khẩu hạn chế nhập khẩu các loại muối ngoại chất lượng thấp.

Với mục tiêu bảo hộ ngành sản xuất muối trong nước và tiêu thụ tối đa lượng muối sản xuất trong nước, trong thời gian vừa qua nhờ sự phối hợp có hiệu quả giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, trong năm 2013 giá muối của diêm dân tương đối ổn định, cuối tháng 7 năm 2013, giá muối sản xuất thủ công từ 850 - 1.400đ/kg, giá muối sản xuất công nghiệp từ 1.000 - 1.200 đ/kg (cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 khoảng 100 - 400đ/kg tùy từng vùng).

- Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi

Trong 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước khoảng 1,74 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong nhóm này là khô dầu đậu tương, bột cá, thức ăn thô,... là những nguyên liệu chủ chốt để sản xuất thức ăn chăn nuôi mà hiện nay sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Thực tế hiện nay, lượng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu với số lượng lớn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô nuôi công nghiệp. Các doanh nghiệp này tăng cường nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài để tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất, đó là nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2013.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: