Về việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên hợp quốc:
Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; vận dụng tổng hợp các biện pháp, chủ yếu bằng chính trị, ngoại giao; coi trọng đấu tranh pháp lý, sẵn sàng đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế khi cần thiết. Ta có chính nghĩa và cơ sở pháp lý trong vấn đề Biển Đông. Hiện ta đang tích cực chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ pháp lý bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam. Mặt khác, cũng cần hết sức thận trọng, tránh để lại những hậu quả bất lợi, lâu dài cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Việc Phi-líp-pin khởi kiện Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa mang tính bước ngoặt, mở ra hướng đấu tranh pháp lý trên Biển Đông. Với vụ kiện này, lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được xử lý theo phương thức pháp lý tại cơ quan tài phán quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, điều này tạo ra những hệ lụy phức tạp và khó dự đoán đối với các nước có liên quan; vừa mở ra cơ hội mới trong đấu tranh bác bỏ “đường lưỡi bò”, vừa tạo ra những thách thức mới cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước ta. Do vậy, ta cần xem xét toàn diện, cẩn trọng, thấu đáo, xuất phát từ tầm cao chiến lược của lợi ích quốc gia của ta để có các bước đi phù hợp và cần thiết bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.
Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương của ta là kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để trực tiếp giải quyết tranh chấp với các bên liên quan, bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc đưa tranh chấp ra diễn đàn đa phương, kể cả các cơ quan của Liên hợp quốc, luôn được tính đến như là một biện pháp để lên án các bên tranh chấp khác vi phạm chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam, nêu cao lập trường chính nghĩa của ta đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với biện pháp đấu tranh trực tiếp của ta. Tuy nhiên, hình thức và diễn đàn cụ thể của Liên hợp quốc được sử dụng vì mục đích này được xác định căn cứ từ thực tiễn hoạt động của tổ chức để bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, việc đưa bên tranh chấp tại Biển Đông ra trước diễn đàn quốc tế cũng cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm không gây ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ giữa Việt Nam và các bên tranh chấp, đặc biệt là các thỏa thuận và nỗ lực giải quyết tranh chấp của các bên. Cho đến nay, khi tham gia các cuộc họp có liên quan trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, đoàn Việt Nam luôn phát biểu khẳng định rõ lập trường nhất quán của ta, trong đó nhấn mạnh chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, sự cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và không ngại phê phán các bên tranh chấp khác có hành vi vi phạm chủ quyền và quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại Biển Đông.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc củng cố cơ sở pháp lý chủ quyền nước ta ở Biển Đông, bao gồm củng cố các bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền của ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta ở Biển Đông.