Cử tri nhận thấy rằng việc thu phí bảo trì đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ là chủ trương đúng đắn, hợp lý, nhằm tạo nguồn vốn đáp ứng việc duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc thu phí này còn có một vài điểm chưa hợp lý. Cụ thể:
+ Một là, các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM; các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu phí để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn vẫn tiếp tục hoạt động thu phí đến hết thời hạn hợp đồng mới bị xóa bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc, các phương tiện khi lưu thông qua các tuyến đường bộ có các trạm thu phí hoàn vốn đầu tư đang hoạt động vẫn phải nộp phí, dù đã nộp phí bảo trì đường bộ, dẫn đến hiện tượng phí chống phí.
+ Hai là, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc; sơ mi rơ- moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo ( sau đây gọi cung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy. Tuy nhiên, rơmoóc và sơmi rơmoóc không phải là “đầu phương tiện” mà chỉ là tổ hợp cơ khí đơn giản, nếu không gắn động cơ, sẽ không thể tự di chuyển trên đường bộ được. Do vây, việc thu phí cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc vừa đánh phí đầu kéo, vừa đánh phí “ phần đuôi” của phương tiện.
+ Ba là, việc quy định đóng phí bảo trì đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm đối với xe ô tô sẽ tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, điều này dẫn đến việc tăng giá cước vận tải, như vậy, thực tế người chịu phí cuối cùng vẫn là người sử dụng các phương tiện này.
Do vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng điều chỉnh phương thức thu phí hằng năm trên đầu phương tiện giao thông theo chu kỳ đăng kiểm sang cách thu hàng tháng đối với mỗi phương tiện; đồng thời, bỏ đối tượng chịu thu phí là rơmoóc và sơmi rơmoóc và chỉ áp dụng nội dung này với đầu kéo.
1. Đối với việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là xe mô tô 02 bánh:
Việc thu phí sử dụng đường bộ để tạo nguồn hình thành Quỹ bảo trì đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và Pháp lệnh phí, lệ phí đã được Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì cùng các bộ ngành nghiên cứu xây dựng Đề án và dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét ban hành (Đến nay Nghị định đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2013).
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Nghị định cho thấy về mặt nguyên tắc các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ đều có nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ để có kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ; trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học và kinh nghiệm một số quốc gia khác thì việc xác định đối tượng nộp phí là các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ trong đó có xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là xe mô tô) đều phải có trách nhiệm nộp phí sử dụng đường bộ là phù hợp. Tuy nhiên do mức độ tác động đến kết cấu hạ tầng giao thông của xe mô tô là không lớn so với các loại xe ô tô, mặt khác phạm vi hoạt động chủ yếu là trên đường địa phương. Vì vậy tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ của Chính phủ đã quy định (tại Điều 6) phí sử dụng đường bộ thu được đối với xe mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương đó và tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, quy định mức phí đối với xe mô tô, cụ thể như sau:
- Loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 mức thu từ 50 đến 100 nghìn đồng/năm; tương ứng với số phí 1 tháng mà xe mô tô phải đóng khoảng 4.166 đồng đến 8.333 đồng.
- Loại có dung tích xy lanh đến trên 100 cm3 mức thu từ 100 đến 150 nghìn đồng/năm; tương ứng với số phí 1 tháng mà xe mô tô phải đóng khoảng 8.333 đồng đến 12.500 đồng.
Đồng thời miễn giảm phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định pháp luật về hộ nghèo.
Việc xác định mức thu phí đối với xe mô tô hai bánh sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội và đặc điểm của các địa phương trong từng thời kỳ, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp phí để quy định mức thu phí trong phạm vi khung mức phí đã được quy định.
Hiện nay, theo kết quả cập nhập số liệu việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô thì đã có 17 tỉnh ban hành mức thu xe mô tô nên chưa có đánh giá mang tính tổng thể trong cả nước về tình hình thực hiện. Trong thời gian tới, sau khi triển khai đồng loạt việc thu phí sử dụng đường bộ đối xe mô tô tại tất cả các tỉnh, thành, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tổng hợp, đánh giá để có các giải pháp xử lý bất cấp (nếu có) cho phù hợp.
Mặt khác, để kiểm soát tình trạng xe quá tải trên hệ thống quốc lộ, Bộ GTVT đã triển khai, xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống các trạm kiểm tra tải trọng xe (trạm kiểm tra cố định và trạm kiểm tra lưu động) tập trung tại các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Qua đó sẽ kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hiện tượng xe quá tải gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông và mất an toàn giao thông.
2. Một số nội dung liên quan đến việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là xe ô tô:
2.1. Đối với kiến nghị thứ nhất:
Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động. Tại văn bản số 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012 và văn bản số 206/TTg-KTN ngày 01/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, trạm thu trả nợ vay. Đến nay, Bộ GTVT đã xử lý dừng thu và xóa bỏ toàn bộ đối với 20 trạm thu phí thuộc đối tượng phải xóa.
Đến thời điểm hiện nay trên hệ thống quốc lộ còn lại một số trạm sau:
- Các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT: Theo quy định tại Điều 49, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ quỹ bảo trì đường bộ. Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm.
Như vậy việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện và duy trì trạm thu phí BOT là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Giao thông đường bộ, vì phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ do ngân sách nhà nước đầu tư, còn phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì và hoàn vốn đầu tư đường bộ do các nhà đầu tư BOT đã đầu tư, vì vậy việc tiếp tục thu phí đối với các trạm thu phí hoàn vốn BOT khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động là không có tình trạng phí chồng phí.
- Riêng đối với 04 trạm thu phí đã bán quyền thu phí (gồm; trạm Phù Đổng, trạm Hoàng Mai, trạm Bàn Thạch- QL1 và trạm Bãi Cháy- QL18): Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính đàm phán thống nhất với nhà đầu tư tại các trạm thu phí đã chuyển giao quyền thu phí trên (nguồn thu từ chuyển giao quyền thu phí tại trạm này đã được đưa vào để phục vụ công tác quản lý, duy tu các tuyến đường quốc lộ do nhà nước đầu tư), để thống nhất phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư để mua lại; tuy nhiên do chưa có tiền lệ và quy định cụ thể về việc mua lại quyền thu phí, nên việc đàm phán với các nhà đầu tư cũng cần có thời gian nhất định để đảm bảo sự công bằng và thống nhất với các nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, Bộ GTVT đã có phương án xử lý đối với các trạm thu phí nói trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ triển khai thực hiện theo quy định.
2.2. Đối với kiến nghị thứ hai và ba:
Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng quy định. Nhìn chung, việc triển khai Quỹ bảo trì đường bộ nhìn chung là thuận lợi, công tác thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là xe ô tô, về cơ bản đến nay đã được các chủ phương tiện chấp hành tốt, cơ quan thu phí đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện tham gia nộp phí. Tính đến thời điểm hiện công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô đã đảm bảo thu đúng, thu đủ, chính xác số phí phải thu không xảy ra thất thoát.