Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra phổ biến. Theo số liệu thống kê, trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo và tranh chấp liên quan đến đất đai. Các đơn phản ánh, kiến nghị về khai thác khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường tuy không nhiều nhưng có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, từ năm 2003 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 624.512/723.938 vụ việc thuộc thẩm quyền; trong 4 năm (từ năm 2008 - 2011), qua phân tích 166.906 đơn khiếu nại đã giải quyết cho thấy số vụ việc khiếu nại đúng chiếm 19,8%, khiếu nại có đúng, có sai chiếm 28% và khiếu nại sai chiếm 52,2% trên số vụ việc công dân tiếp khiếu; trong 28.256 đơn tố cáo đã giải quyết cho thấy, có 16,2% đơn tố cáo đúng, 29,6% đơn tố cáo có đúng, có sai, 54,2% đơn tố cáo sai trong số đơn tố cáo dân tiếp tục gửi đơn.
Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay đã tiếp nhận được 66.090 lượt đơn của 32.145 vụ việc, tỷ lệ đơn trùng chiếm 51%. Qua phân loại, hầu hết số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, do địa phương chậm giải quyết hoặc do công dân gửi đơn vượt cấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 7.648 văn bản trả lời, hướng dẫn công dân. Các trường hợp nhiều lần khiếu nại vượt cấp, có thái độ bức xúc hoặc tập trung đông người, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời có văn bản chuyển đơn đến cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết; nhiều trường hợp Lãnh đạo Bộ đã kịp thời làm việc với địa phương để yêu cầu địa phương giải quyết theo thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết 423 vụ việc thuộc thẩm quyền và vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 72% trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đúng pháp luật và 28% trường hợp địa phương cần xem xét, giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc cần xem xét, giải quyết lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như đôn đốc, đề nghị địa phương giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho công dân, chấm dứt khiếu nại.
Đối với đơn thư do địa phương chậm giải quyết hoặc giải quyết kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với địa phương xử lý như sau:
- Năm 2003, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương xem xét, giải quyết được 635 vụ việc tồn đọng, kéo dài về đất đai, có 80,2% trường hợp quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp quy định pháp luật, 11,3% có đúng có sai và 9,1% quyết định giải quyết chưa phù hợp.
- Năm 2009, thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về các giải pháp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 19/3/2009 về giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài và Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1521/BTNMT-TTr ngày 12/5/2009 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, tổng hợp, báo cáo về Bộ các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương rà soát, trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết được 80 vụ việc, đồng thời đôn đốc địa phương giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
- Năm 2012, thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương rà soát, giải quyết 77 vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đây hầu hết là các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của địa phương, đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm, qua rà soát có 30% số vụ việc địa phương giải quyết chưa phù hợp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với địa phương biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân.
Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai. Quốc hội đã thảo luận, cơ bản tán thành nội dung báo cáo và thông qua Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 312/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39/2012/QH13, trong đó có nội dung giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó tập trung các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn về tổ chức và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác tiếp công dân, kiểm tra, đôn đốc, rà soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng thời hạn và quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường; phối hợp với Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, môi trường, khoáng sản.